Khám phá nghề nung gốm lộ thiên của người M’Nông

Nhằm giới thiệu, gìn giữ và góp phần giáo dục thế hệ trẻ bảo tồn nghề thủ công truyền thống của dân tộc, Sở Văn hoá thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức trình diễn nghề gốm nung lộ thiên của dân tộc M’Nông. Chính vẻ đẹp mộc mạc về kỹ thuật, chế tác thô sơ đã làm cho sản phẩm gốm nơi đây trở nên độc đáo và có giá trị.

Trải qua thăng trầm, nghề làm gốm của người M’Nông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk vẫn duy trì được nét độc đáo, mộc mạc mà khó nơi nào có được. Thợ làm gốm là những phụ nữ M’Nông được truyền nghề qua nhiều thế hệ. Họ tạo hình sản phẩm gốm bằng cách chỉ sử dụng những công cụ giản đơn theo phương pháp thủ công truyền thống như: dùng chày giã đất sét rồi dùng tay nhào nặn đồ vật; không sử dụng bàn xoay mà phải đi vòng tròn xung quanh để tạo hình.

Từ việc tạo hình đến vẽ hoa văn, người M’Nông chỉ sử dụng những thứ sẵn có trong tự nhiên như: que tre, thanh củi, mảnh vải để hỗ trợ. Họ thường trang trí những hình thù, đường nét, cây cỏ gần gũi với đời sống. Qua đó, thể hiện sự kết nối sâu sắc giữa văn hoá và môi trường tự nhiên của đồng bào.

Sau khi tạo hình, phơi khô, gốm được nung lộ thiên với củi và rơm khoảng 1 giờ đồng hồ. Nghề làm gốm nung của người M’Nông ở huyện Lắk có từ lâu đời, là một trong những nghề phát triển hưng thịnh thời xưa. Tuy nhiên, trải qua thời gian, nghề này dần dần bị lãng quên. Buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk,  là nơi vẫn còn duy trì được nghề này. Các nghệ nhân biết làm gốm chỉ còn khoảng 2-3 người.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Liên -

Việt Bảo