Khánh Hòa: Làng triệu phú nhờ nuôi biển

Với lợi thế là tỉnh có vùng biển rộng, kín gió, Khánh Hòa đang phát triển mạnh nghề nuôi trồng trên biển. Đặc biệt, mô hình nuôi lồng bè trong các vùng vịnh kín gió đã giúp nhiều làng đảo trở thành làng triệu phú. Đây là hướng đi bảo đảm sự phát triển bền vững của công nghiệp nuôi biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Khánh Hòa có đường bờ biển dài 385km, với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh cùng khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi biển.

Người dân tại các khu vực xã đảo thuộc Vịnh Vân Phong của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa nhiều năm nay đã sử dụng vùng nước kín gió trong vịnh này để nuôi cá trong lồng bè. Đây là vùng biển nông, nước biển nhạt nên rất thích hợp cho việc nuôi các loại cá đặc sản như cá mú, cá chim, cá bớp cho thu nhập cao.

Một thực tế, người dân làm nghề nuôi biển tại các vùng biển của tỉnh Khánh Hòa hiện nay vẫn theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ, không chịu được sóng gió lớn, chưa bảo vệ được môi trường. Để ngư dân làm giàu từ nghề nuôi biển, ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa cũng đã có nhiều chương trình, dự án, chính sách để chuyển đổi lồng bè gỗ truyền thống sang lồng bè công nghệ cao HDPE chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn, giúp những ngư dân nuôi biển tăng giá trị cũng như bảo vệ môi trường.

Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 1.100 ha, sản lượng nuôi biển đạt 15.000 tấn; đến năm 2030 diện tích nuôi biển tăng lên 1.500 ha. Hiện địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi biển, đặc biệt ưu tiên đối tượng có giá trị kinh tế cao; hình thành các Tổ liên kết nuôi trồng thủy sản tiến tới thành lập các Hợp tác xã trong nuôi trồng thủy sản, liên kết với các doanh nghiệp để đầu ra sản phẩm được ổn định.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Nguyễn Minh