• 1844 lượt xem
  • 05:42 09/02/2023
  • Văn hóa

Khi di sản được gọi tên

Đối với nhiều cộng đồng địa phương thì cây cổ thụ, cây lâu năm thường được ví như những vị thần linh, đảm nhận trọng trách trông coi, cai quản và bảo vệ con dân của làng. Dù trong lòng mỗi người, các cụ cây cả vài trăm tuổi chính là những di sản vô cùng quí giá trên mảnh đất quê hương, thế nhưng khi được người ngoài công nhận và trân trọng thì niềm vui của cộng đồng địa phương đó được nhân lên.

Câu chuyện về cây đa và cây si 300 tuổi của bà con người Tày xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh vừa được công nhận là cây di sản thể hiện tình yêu và ý thức bảo vệ, giữ gìn di sản thiên nhiên nơi vùng cao Đông Bắc của tổ quốc.

Cụ Nguyên và cụ Đông thuộc nhóm những bô lão cao tuổi nhất của xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Dù đã bước qua nhiều thăng trầm của cuộc sống nhưng những kí ức về cây si cạnh ngôi Đình Đồng Đình dường như vẫn vẹn nguyên.

Cũng theo lời kể của hai cụ, khu vực này xưa kia như một khoảnh rừng già với những thân cây 3-4 người ôm không xuể. Thế nhưng những biến động của lịch sử đã khiến khu vực này chỉ còn duy nhất cây si 300 tuổi và được người dân trong xã nỗ lực gìn giữ tới ngày nay.

Hòa chung không khí lễ hội Đình Đồng Đình, người dân xã Phong Dụ càng thêm hân hoan khi được trao chứng nhận hai cây di sản là cây đa 300 tuổi và cây si 300 tuổi đúng vào dịp này. Những cơn mưa nối tiếp nhau cũng khó làm giảm không khí náo nhiệt nơi đây, khi mà người dân được tận hưởng trọn vẹn cả niềm vui từ những ước vọng trong năm mới, lẫn sự tự hào từ những di sản quí báu của quê hương. Và dù không nằm trong nơi dân cư đông đúc như cây si, thế nhưng cây đa ven đường Quốc lộ đi qua xã Phong Dụ cũng không còn phải chịu số phận ẩn khuất. Chiếc bia mới dựng này đã cho nó một cái tên và một sự nhận diện rất rõ ràng: Cây đa Di sản.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!  

Anh Thư