Không "phình" biên chế và ngân sách khi luật hoá lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

Việc luật hóa các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở không hình thành tổ chức mới, không "phình" tổ chức, không tăng biên chế, không đè nặng, phát sinh ngân sách trung ương và địa phương là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng tại Hội thảo khoa học nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Hội thảo được Bộ Công an tổ chức sáng 14/3 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 điểm cầu trên cả nước. 

Tại hội thảo các đại biểu cho rằng,  hiện nay, tình hình an ninh trật tự và đảm bảo an toàn, an ninh cho cuộc sống của người dân đã có những chuyển biến tích cực, được dư luận xã hội, nhất là dân cư cơ sở đánh giá cao. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay có rất nhiều địa bàn có mật độ dân cư đông, địa hình phức tạp, hiểm trở gây khó khăn cho công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là khi có tình huống khẩn cấp về quốc phòng an ninh trong khi đó số lượng cán bộ công an xã chuyên trách rất hạn chế, do vậy cần thiết phải có lực lượng đảm bảo ANTT tại cơ sở.

GS.TS NGUYỄN VĂN TÀI, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng: “Hiện nay đã bố trí lực lượng công an xã chính quy, chuyên trách, nhưng không vì thế mà không xây dựng lực lượng công an xã bán chuyên trách. Bởi vì số lượng cán bộ công an xã chuyên trách rất hạn chế (mỗi xã có từ 3-5 cán bộ), khối lượng công việc nhiều, đảm bảo cả công tác quản lý, trong khi địa bàn nhiều xã là vùng nông thôn, miền núi,  địa hình phức tạp, dân cư trải rộng. Do vậy, việc tiếp tục sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở là cần thiết.”

Đại tá ĐỖ KHẮC HƯỞNG, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an: “Việc ban hành tham gia là điều cất thiết vì đây là lực lượng sát với dân, cùng ăn cùng ở với dân, năm bắt  nguyện vọng của nhân dân cũng như những vấn đề ở trong dân để để kịp thời giải quyết.”

Đồng tình với quan điểm này, tuy nhiên một số đại biểu đề nghị ban soạn thảo cũng cần lưu ý đến chính sách dành cho những người tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không may bị thương, hi sinh; qua thực tế, nhiều trường hợp bị thương nhưng việc giải quyết, công nhận thương binh rất khó khăn, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Phát biểu tổng kết hội thảo, thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng khẳng định việc luật hóa các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở không hình thành tổ chức mới, không "phình" tổ chức, không tăng biên chế, không đè nặng, phát sinh ngân sách của trung ương và địa phương.

Sỹ Cường