Không thể tiếp tục gồng mình trước cơn bão giá, hàng bình ổn giá ở TP.Hồ Chí Minh điều chỉnh tăng 5-14%

Bắt đầu từ ngày 2/4, nhiều nhóm hàng bình ổn giá của TP. Hồ Chí Minh chính thức điều chỉnh lên 5-14% để bù lại các chi phí đầu vào tăng quá cao của doanh nghiệp. Trong thực tế, mức tăng này thấp hơn nhiều chi phí doanh nghiệp đang phải gồng gánh, và rẻ hơn so với mặt bằng chung thị trường từ 3-15%. Doanh nghiệp vẫn đang tìm nhiều cách để chia sẻ với người tiêu dùng.

Tất cả nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp này đều đã tăng từ 10 – 30% hơn nửa năm nay, nặng nhất là giá thức ăn chăn nuôi… Dù vậy, doanh nghiệp vẫn gồng mình giữ bình ổn giá trứng gia cầm suốt một năm qua. Đến nay, sau khi thu không đủ bù chi, lỗ chồng lỗ, doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán. 

Ông TRƯƠNG CHÍ CƯỜNG - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt: “Hiện tại các nguyên vật liệu đã tăng và không hề có xu hướng dấu hiệu đứng lại nên công ty mới cân nhắc rất kỹ/ Tăng giá 6% thì giá bán ra của trứng trong các kênh phân phối của chương trình bình ổn vẫn tốt hơn.”

Ngoài trứng gia cầm, thì trong đợt điều chỉnh tăng giá này còn có các nhóm ngành hàng thiết yếu khác khác như thịt gia cầm tăng 6-12%, thịt gia súc tăng 2-3%... Các doanh nghiệp thực phẩm cho biết việc tăng này là để bù lỗ cho nhiều tháng qua. Dù vậy, với khó khăn chung hiện nay, mức tăng giá được tính toán rất chi ly, nhiều doanh nghiệp bình ổn thậm chí còn cố cầm cự thêm một thời gian nữa.

Ông PHAN VĂN DŨNG - Phó Tổng Giám đốc CTCP Việt Nam kỹ nghệ súc sản: “Tăng giá thì càng làm giảm đi sức mua. Vì vậy bản thân vissan chúng tôi chia sẻ khó với người tiêu dùng bằng cách chưa tăng giá ở thời điểm này và tiếp tục theo dõi tình hình thị trường.”

Có thể nói việc tăng giá ở thời điểm này là cực chẳng đã với doanh nghiệp. Để cầm cự, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế bền vững hơn, cắt giảm chi phí không cần thiết và đa dạng sản phẩm, chế biến tăng giá trị, bù đắp doanh thu. Từ đó vẫn nỗ lực ổn định thị trường giữa cơn bão giá.

Bà LÝ KIM CHI - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh: “Không phải vì tất cả các mặt hàng tăng giá mà chúng tôi xin tăng giá mà để vật giá leo thang. Mục tiêu doanh nghiệp vẫn là làm sao kích cầu được, để bán được nhiều hàng nhất, nên để chuẩn bị cho việc xin tăng giá thì mức tăng giá rất là khiêm tốn đối với nhóm hàng.”

Chị NGUYỄN VY - Quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh: “Tôi cũng đồng tình với việc tăng giá vì sau covid mọi thứ leo thang, rất hiểu chuyện đó, nhưng mong doanh nghiệp tăng ít thôi, để người tiêu dùng chúng tôi có túi tiền hợp lý để mua sắm cho gia đình.”

Sở Tài chính TP.Hồ Chí Minh cho biết dù tăng giá, các nhóm hàng bình ổn vẫn phải đảm bảo thấp hơn từ 3 - 15% so với thị trường. Ngành chức năng sẽ theo sát diễn biến đảm bảo bình ổn thị trường, hỗ trợ người tiêu dùng.