Kiểm soát lạm phát, đảm bảo hoạt động xuất khẩu cho tăng trưởng

Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KHPT KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình thực hiện KHPT KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2022, cả báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đều khẳng định: Để thực hiện thành công KHPT KT-XH năm 2022 việc kiểm soát lạm phát, bảo đảm các hoạt động sản xuất, xuất khẩu là rất quan trọng.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy: Trên thế giới, do ảnh hưởng của cuộc của xung đột Nga - Ucraina cùng với những hậu quả của đại dịch COVID-19, giá dầu và một số hàng hóa quan trọng biến động mạnh. Điều này ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế trong nước.

Phó Thủ tướng Chính Phủ LÊ VĂN THÀNH: “Trong nước, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển KTXH; các hoạt động văn hóa - xã hội dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân."

Thẩm tra nội dung này, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Chỉ số CPI 4 tháng tăng 2,1%, không cao hơn so với cùng kỳ các năm 2018-2020, tuy nhiên trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao kỷ lục, cầu trong nước có xu hướng hồi phục sẽ gây sức ép lớn đến lạm phát.

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: “Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia so với mức tăng hàng hóa thế giới, lạm phát trong nước tăng chậm hơn nhờ vào giá thực phẩm luôn ở mức âm từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022, nhóm hàng này có trọng số là 22,6% cao hơn nhiều so với mức 9,37% của nhóm hàng giao thông trong rổ tính CPI, tuy nhiên, giá thực phẩm đang có xu hướng âm ít hơn và có khả năng dương trở lại trong các tháng tới; tiêu dùng khôi phục chậm nhất là tiêu dùng dịch vụ cũng là nguyên nhân hỗ trợ lạm phát của nước ta tăng chậm.”

Báo cáo của Chính phủ khẳng định: Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD. Đây được cho là 1 trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cho ý kiến về nội dung này, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Cần chú ý nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài và những khó khăn trong việc xuất, nhập khẩu nông sản.

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: “Cần làm rõ những khó khăn, vướng mắc, tình trạng ùn ứ phương tiện trong việc xuất, nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc, trong đó có hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp tại một số cửa khẩu”.

Về giải pháp để thực hiện thành công KHPT KT-XH năm 2022, ngoài các giải pháp của Chính phủ, thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh, tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; Bổ sung, điều chỉnh các giải pháp về hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác phòng, chống dịch theo yêu cầu Nghị quyết 30 của Quốc hội, tổng hợp nghiên cứu tổng thể tác động của tình hình thế giới; Xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, tránh làm gián đoạn hoạt động sản xuất, xuất khẩu./.

Dương Dung