Kinh tế số - nguồn lực, động lực cho phát triển đâu phải chỉ ở Facebook, Twitter

Tăng trưởng về kinh tế số sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất trong tương lai phát triển kinh tế ở Việt Nam”. Đây là ý kiến được các đại biểu nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học: "Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương.

Trong bối cảnh xảy ra những biến cố, khủng hoảng ở quy mô lớn, như đại dịch COVID-19, việc tối ưu hóa các nguồn lực và động lực càng có ý nghĩa quan trọng, nhằm gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế - xã hội, tạo những tiền đề cho sự ổn định ngay trong tình trạng bất định, “biến nguy thành cơ”. Sự phát triển của các mô hình kinh tế không tiếp xúc, xu hướng làm việc từ xa và nỗ lực cơ cấu lại chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro đứt gãy đang làm thay đổi cách thức rủi ro phân bổ và quản lý nguồn lực trên phạm vi toàn cầu, các khu vực và từng quốc gia.

GS NGUYỄN XUÂN THẮNG, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM, Chủ tịch HĐLL Trung ương: “Đâu phải bàn về kinh tế số là chỉ có facabook kiểu như thế, là nói về Twitter, tensen.... mà chúng ta đang nói nền tảng chuyển đổi số này nó đang thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội và cách tính về tham gia của kinh tế số phải hiểu theo nghĩa tức là ở mọi ngành, mọi lĩnh vực. Còn để phát triển các tập đoàn lớn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, không hề đơn giản nhưng rõ ràng tỷ trọng chúng ta dựa trên nền tảng trực tuyến là rất lớn và không thể khác được.”

Từ gợi mở của cách tiếp cận mới là xu hướng toàn cầu - tầm nhìn quốc gia - hành động địa phương trong việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó mỗi nguồn lực có những đặc điểm riêng, cần cách thức khơi dậy, khai thác, sử dụng và phát huy riêng để chuyển hóa thành các động lực phát triển, chú trọng những thế mạnh riêng có của địa phương.

GS.TS TRẦN THỌ ĐẠT, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: “Những địa phương nào đã có nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin tốt tôi nghĩ rằng nên đề ra các chỉ tiêu về chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế số cao hơn, thậm chí phải cao hơn hẳn so với mức trung bình của quốc gia,  Đốii với những tỉnh mà có điều kiện thấp hơn thì có thể đạt ở mức thấp hơn mức trung bình thì tổng hợp lại của những tỉnh mạnh và tỉnh yếu như thế chúng ta mới có thể đạt được mức độ trung bình trung của toàn quốc trong quá trình mình thực hiện Quyết định 749 của Chính phủ về thực hiện chuyển đổi số quốc gia cũng như phát triển kinh tế số.”

Hệ thống bài viết có chất lượng cao của hội thảo sẽ được biên tập xuất bản thành sách; chọn lọc đăng tải trên các cơ quan báo chí để lan tỏa tinh thần và những nội dung của hội thảo đến đông đảo độc giả, góp phần tạo nên những phong trào thi đua, hành động cách mạng thiết thực, hiệu quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bích Liên