• 1088 lượt xem
  • 07:42 16/04/2022
  • Kinh tế

Kinh tế số TP.HCM: Tầm nhìn toàn cầu, tư duy quốc gia và hành động của địa phương

"Phải có tầm nhìn toàn cầu và tư duy quốc gia và hành động của địa phương phải rất cụ thể, dựa trên vị thế, tiềm năng, lợi thế cụ thể để lựa chọn cách đi" - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh hôm 15/4.

Sau 2 năm bị trì hoãn do đại dịch Covid-19, Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 3 năm 2022 được tổ chức với chủ đề “Kinh tế số - động lực tăng trưởng và phát triển thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai”. Gần 1.000 đại biểu đã tham dự trực tiếp tại thành phố Hồ Chí Minh và trực tuyến từ nhiều quốc gia.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành uỷ TP.HCM nhận định, đại dịch Covid-19 làm đứt gãy đà tăng trưởng mạnh mẽ của thành phố, nhưng cũng cho thấy vai trò của chuyển đổi số đối với hoạt động chống dịch, hồi phục kinh tế. TP.HCM sau đại dịch đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà trọng điểm phát triển kinh tế số. 

Ông NGUYỄN VĂN NÊN, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh: Đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỉ trọng 25% GRDP. Đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, thành phố văn hoá, đầu tàu kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế tài chính thương mại, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á; kinh tế số chiếm 40%. 

Mục tiêu này của thành phố Hồ Chí Minh cao hơn mức tương ứng là 20% và 30% của mục tiêu quốc gia. Điều này càng khẳng định vai trò đầu tàu của thành phố Hồ Chí Minh trong sự phát triển kinh tế số cả nước. Bên cạnh đó, khi xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025, TP đề ra mục tiêu và quyết sách nhằm biến thách thức thành cơ hội để phát triển kinh tế số, giữ vững và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước, bằng từng chương trình, đề án cụ thể cho từng năm. 

Ông PHAN VĂN MÃI, Chủ tịch UBND TP.HCM: Ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực người dân và doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch lớn để tập trung đầu tư, tạo thay đổi căn bản, như lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư…

Các đại biểu tham dự diễn đàn cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh đang có rất nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế số. Điều quan trọng là phải thật sự chuyển đổi, không làm phong trào, học hỏi kinh nghiệm thế giới và cần đi theo định hướng chung và chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số. 

Ông LÊ MINH KHÁI, Phó Thủ tướng Chính phủ: Trong diễn đàn kinh tế số này, tôi hoan nghênh thành phố đã mời được nhiều tổ chức quốc tế uy tín, nhiều quốc gia và địa phương nước bạn tham dự và chia sẻ. Tuy nhiên, cần học hỏi một cách nghiêm túc, bài bản và liên tục mới hấp thụ được các tinh hoa, các bài học quý báu của bạn bè quốc tế. Cũng lưu ý, việc vận dụng vào thực tế cần đảm bảo tính đặc thù của Việt Nam và thành phố, không máy móc.

Ông NGUYỄN XUÂN THẮNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Phải có tầm nhìn toàn cầu và tư duy quốc gia, và hành động của địa phương phải rất cụ thể, dựa trên vị thế, tiềm năng, lợi thế cụ thể để lựa chọn cách đi. Và thành phố Hồ Chí Minh thì đi sớm hơn, có nhiều lợi điểm hơn, phải phát huy như thế nào, chứ đừng bàn về điều gì cao siêu cả, mà phải tổ chức lại, cấu trúc lại cho sự phát triển. 

Phóng viên PHƯƠNG THẢO: Thực tế thời gian qua cho thấy, thành phố đã đi sớm, đi trước trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trong đại dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã áp dụng chuyển đổi số trong phòng chống dịch và các hoạt động kinh tế - xã hội. Sau đại dịch, rhành phố Hồ Chí Minh đang hồi sinh một cách mạnh mẽ và kinh tế số sẽ là một động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hồ Chí Minh, nhanh và bền vững. Qua đó góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế xã hội cả nước.

Hữu Ái