Kinh tế tăng trưởng trên 6%, nhiều lĩnh vực cần khơi thông dòng tiền

Chỉ số tăng trưởng về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ trong 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục khởi sắc, đưa tăng trưởng GDP quý II đạt 6% và dự báo GDP đến hết năm 2022 sẽ đạt trên 7%.

Quan tâm đến các vấn đề kinh tế xã hội của cả nước, nhiều cử tri tại TP HCM cho rằng thời gian qua, Đảng, Quốc hội, và Chính phủ đã có nhiều quyết sách giúp phục hồi kinh tế. Nhiều cử tri rất quan tâm đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV với nhiều nội dung liên quan đến tình hình kinh tế xã hội. 

Ông BÙI QUANG XUÂN - Thành phố Hồ Chí Minh: "Dựa vào định hướng của Đảng, Đại hội Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã cụ thể hóa những chỉ tiêu về kinh tế trong đó làm sao từ năm 2021 – 2025 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm giá trị GDP bình quân 5 năm tới đạt từ 6,5 – 7%. Đây là chỉ tiêu mà các quốc gia khác chưa đề cập đến hoặc thấp hơn Việt Nam.”

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với độ ổn định cao và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9%. Quỹ đạo phục hồi kinh tế bước vào giai đoạn bứt tốc, nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,1%.

Tiến sĩ VÕ TRÍ THÀNH - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh: “Hiện này, những đánh giá dự báo cho thấy đà phục hồi sẽ tiếp tục nhưng sẽ có những kịch bản tăng trưởng chậm lại bên cạnh những mục tiêu đề ra là 6 – 6,5%. Đà phục hồi kinh tế Việt Nam dù trắc trở nhưng vẫn tiếp tục, đằng sau đấy sẽ là môi trường kinh doanh đầu tư, và nỗ lực cải cách sẽ được Việt Nam đẩy mạnh.”

Bên cạnh đà tăng trưởng, chính sách tiền tệ được xem là công cụ quan trọng điều tiết kinh tế vĩ mô. Việc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng quản lý chặt đối với một số lĩnh vực như BĐS, đầu tư chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng được các chuyên gia cho rằng cần xem xét kỹ vì nhiều khả năng kéo giảm tăng trưởng hoặc tạo nguy cơ nợ xấu trong khối doanh nghiệp.

GS. TS ĐẶNG HÙNG VÕ: “Trong hoàn cảnh hiện nay, cầu thì cao, cung thì hẹp. Chúng ta có siết nữa thì dẫn đến câu chuyện kinh tế giảm phát. Tôi cho rằng chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ, lựa chọn những tiêu cực từ việc siết tín dụng nó dẫn đến cho cả khu vực cá nhân và doanh nghiệp.”

Dù vậy, một số ngành, lĩnh vực vẫn phục hồi chậm như hàng không, du lịch, xây dựng, vật liệu… cần được hỗ trợ để tạo đà tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hơn, nhất là khi lãi suất đã tạo đáy và lạm phát có thể gia tăng vượt kỳ vọng.

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH - Phó Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh tại Tp HCM: “Cơ chế chính sách của NH Trung ương về tiền tệ tín dụng có mục tiêu là ổn định tiền tệ và hỗ trợ cho doanh nghiệp, tức là tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Với hệ thống chính sách đó thì nguồn vốn của ngân hàng hoàn toàn đáp ứng tập trung để hỗ trợ kinh tế phục hồi và tăng trưởng bền vững, hạn chế dòng tiền đi vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.”

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, trong khi đó, các chương trình phục hồi kinh tế tại Việt Nam đã kích thích tăng trưởng mạnh mẽ, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023.
 

Văn Quyền