Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV: Không lãng phí một phút

Sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung nghị sự với chất lượng cao.

Mặc dù chỉ diễn ra trong 4 tuần, nhưng với tinh thần “Không phí một phút”, Quốc hội đã xử lý khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ cũng như bản thân các đại biểu phải làm việc hết công suất. Riêng công tác lập pháp, 16 dự án luật và 17 nghị quyết là con số kỷ lục trong một kỳ họp. Do một số luật có nhiều nội dung phức tạp nên cho đến tận trước giờ bấm nút thông quna, vẫn còn không ít băn khoăn. Ngay lập tức Quốc hội đã xin ý kiến, tiếp thu và chỉnh lý phù hợp, nhận được sự đồng thuận cao. Điều này cho thấy các đại biểu thật sự tập trung trí tuệ, tâm sức cho các dự án luật, góp phần quyết định chất lượng lập pháp.

Nóng nhất tại hội trường Diên Hồng khi thảo luận về Luật HTX sửa đổi là việc có cho phép chuyển nhượng vốn góp của thành viên HTX, liên hiệp HTX hay không. Do còn nhiều tranh luận nên riêng về điều khoản này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi Phiếu xin ý kiến các ĐBQH về 2 phương án. Kết quả là gần 73% ý kiến đồng ý với phương án 1, bỏ quy định về chuyển nhượng phần vốn góp nhằm phản ảnh đúng bản chất của HTX, tránh doanh nghiệp hóa HTX. Cuối cùng, toàn luật đã được thông qua với tỷ lệ 94,33%.

Luật Phòng Thủ dân sự đã nhận được nhiều tranh luận về việc có nên thành lập Quỹ phòng thủ dân sự không, và nếu có thì thành lập trước hay sau khi thảm họa, sự cố xảy ra. Với tinh thần cẩn trọng với từng điều khoản, UBTVQH cũng đã xây dựng 2 phương án gửi Phiếu xin ý kiến Đại biểu Quốc hội giữa 2 đợt họp trong kỳ. Kết quả là đa số ủng hộ phương án chủ động thành lập quỹ trước sự cố, thảm hoạ. Cuối cùng, Luật đã được sự đồng thuận cao với 94,94% đại biểu nhấn nút thông qua.

Quản lý Nhà nước về Chữ ký chuyên dùng công vụ thuộc về Bộ TTTT hay Bộ Quốc phòng - đây là tranh luận nóng nhất còn lại ở kỳ họp này về dự thảo Luật Giao dịch điện tử. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, nội dung được sửa thành: Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về giao dịch điện tử. Riêng chữ ký số chuyên dùng công vụ và giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu do Bộ trưởng Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước. Luật được thông qua với tỷ lệ 94,74%.

Có áp dụng luật đấu thầu với công ty con của Doanh nghiệp Nhà nước hay không là vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều đến sát giờ bấm nút Luật Đấu thầu. Sau khi tiếp thu ý kiến, nội dung này được chốt lại là: chỉ các doanh nghiệp do DNNN nắm giữ 100% vốn mới phải đấu thầu, nghĩa là không bắt buộc đấu thầu với tất cả các công ty con của DNNN. Đây được xem là phương án hài hòa nhất giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp. 93,12% đại biểu đã bấm nút thông qua.