• 3123 lượt xem
  • 06:26 18/07/2022
  • Xã hội

Làm gì để giữ chân người ở lại, ngăn "làn sóng” bỏ việc của nhân viên y tế?

Có thể thấy đại địch COVID-19 vừa qua như "giọt nước tràn ly" khiến “làn sóng” nghỉ việc tăng đến mức báo động. Tính trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng.

KHÓ GIỮ CHÂN NHÂN VIÊN Y TẾ CƠ SỞ

Với môi trường làm việc đặc thù, nhất là trong đợt đại dịch COVID-19, các nhân viên y tế đã phải làm việc với cường độ và áp lực cao, trong khi đó thu nhập lại không tăng. Đây chính là yếu tố quan trọng khiến nhiều người rời bỏ nơi mình đã cống hiến và gắn bó nhiều năm. Đây thực sự đang là thách thức lớn đối với ngành Y tế.

Sau 6 năm gắn bó với trạm y tế phường Vĩnh Tuy, dù là điều dưỡng thuộc biên chế, nhưng cách đây 5 tháng anh Sơn đã đưa ra quyết định nghỉ việc để cùng vợ gánh vác việc gia đình.

Anh ĐINH HOÀNG SƠN, Quận Long Biên, thành phố Hà Nội: “Đại dịch đến, vợ tôi không mở cửa hàng kinh doanh được đồng nghĩa với không có thu nhập. Thực tế, với thu nhập của tôi, được hơn 4 triệu đồng, không đủ đóng lãi ngân hàng. Trong khi đấy, con của tôi vừa sinh, việc chi trả và trang trải cho cuộc sống quá lớn nên tôi không đủ sức để mà gắn bó thêm được nữa.” 

Nghĩ lại khoảng thời gian chống dịch, các y bác sĩ đang làm việc tại trạm y tế phường Vĩnh Tuy đều cảm thấy ám ảnh, sợ hãi và khó kìm nổi nước mắt. Hầu hết họ đều phải tự đấu tranh tư tưởng với chính bản thân để vượt qua và tiếp tục gắn bó với nghề đã chọn.

Điều dưỡng HOÀNG THỊ THỎA, Trạm Y tế phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội: “Tết rồi tôi cũng không có Tết. Việc động viên không kịp thời khiến tôi thấy tủi thân vì giờ giấc không ai tính cho dù làm thứ Bảy, Chủ nhật, làm đêm. Lúc đó thực sự rất oải, chỉ muốn nghỉ mà vẫn được đóng Bảo hiểm nối nốt chỗ còn lại. Sau định thần lại, chị em động viên nhau cũng vì yêu nghề, vì nhân dân.” 

Bác sĩ NGUYỄN THỊ THU, Trạm Y tế phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội: “Thời gian cao điểm nhất chúng tôi chỉ có 2 cán bộ y tế được hưởng tiền trực dịch là 121 nghìn đồng, còn lại các cán bộ vẫn đi làm đầy đủ 24h. Sau trung tuần tháng 4 thì được 1 cán bộ y tế/1 ngày, tiền trực dịch với mức hỗ trợ như vậy thì không thể đảm bảo được đời sống của cán bộ y tế.” 

Trạm Y tế phường Vĩnh Tuy thuộc quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội hiện nay chỉ có 9 y, bác sĩ biên chế và 1 nhân viên hợp đồng, trong khi đó phải chăm sóc sức khỏe cho hơn 50 nghìn người dân sinh sống trên địa bàn là một áp lực rất lớn. Tình trạng lương thấp kéo dài có lẽ là nguyên nhân khiến vài năm nay, trạm không tuyển được thêm nhân viên y tế nào. 

TÌNH TRẠNG BÁC SĨ BỆNH VIỆN CÔNG CHUYỂN RA TƯ NHÂN

Không chỉ là các cán bộ y tế cơ sở đấu tranh tư tưởng trước việc ở lại hay tìm cho mình cơ hội công việc mới. Mà thực tế trong 2 năm vừa qua, tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có hàng trăm bác sĩ xin nghỉ việc và chuyển công tác.

Do nhân lực thiếu nên các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai khám chữa bệnh và phòng, chống dịch. Và tình trạng cán bộ, nhân viên y tế của các cơ sở y tế công lập nghỉ việc, bỏ việc chuyển ra các cơ sở ngoài công lập không còn là chuyện lạ.

Gắn bó với Bệnh viện Xanh Pôn hơn 10 năm, có tay nghề chuyên môn vững vàng nhưng bác sĩ Hải cũng không thể bám trụ mà phải về làm việc cho một bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa – nơi có thu nhập cao hơn.

Bác sĩ NGUYỄN VĂN HẢI, Khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực Thanh Hóa: “Nếu chúng ta có năng lực thì làm ở bệnh viện công lập hay bệnh viện tư nhân thì chúng ta cũng giúp được bệnh nhân. Trong bối cảnh các bệnh viện tư nhân đang nỗ lực phát triển, thu nhập của nhân viên được họ chi trả một cách phù hợp hơn. Đấy cũng là cái cho mình yên tâm công tác tốt hơn. Nếu mình không có thu nhập để đảm bảo lo cho gia đình thì việc mình toàn tâm toàn ý lo cho bệnh viện và bệnh nhân thì phải đặt dấu chấm hỏi.” 

Còn đối với bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, lý do chính để xin nghỉ việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa không chỉ là vì thu nhập. 

Bác sĩ NGUYỄN THANH VÂN, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực Thanh Hóa: “Khi mà chúng tôi ra ngoài làm thì cái mức lương họ trả cho chúng tôi gấp đôi hoặc gấp 3 so với bệnh viện nhà nước. Nhưng cái điều đó vẫn không phải là cơ bản mà cái môi trường làm việc một cách thuận lợi mới là quan trọng, mình được cống hiến, được mang cái sức của mình, hiểu biết của mình để phục vụ nhân dân. Cho nên ở chỗ nào mà có sự phục vụ tốt thì chúng tôi nghĩ là nên chứ còn không phân biệt giữa trong và ngoài.” 

Ông NGUYỄN VĂN ĐỆ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam: “Vừa rồi chúng tôi cũng nhận được một số bác sĩ của Bệnh viện công sang. Điều này có nghĩa là gì đó là tính môi trường của tư nhân hấp dẫn thì họ sang. Thì đây cũng là phục vụ khám bệnh cho nhân dân trong nước thôi trừ trường hợp môi trường Việt Nam như thế nào đó mà nhu cầu ở nước ngoài, các bác sĩ sang nước ngoài thì mới gọi là chảy máu chất xám. Cho nên tôi nghĩ rằng những bác sĩ ở bệnh viện công sang bệnh viện tư là phù hợp với cơ chế thị trường và phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.” 

Tại bệnh viện Bạch Mai, từ năm 2020 đến năm 2021 đã có hơn 200 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên xin nghỉ việc. Điều này gây xáo trộn về nhân sự.

PGS.TS ĐÀO XUÂN CƠ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: “Đây là một bài toán theo tôi cần phải có lời giải sớm. Bởi vì ví dụ như bệnh viện chúng tôi có sự chuyển dịch như vậy sẽ tạo ra một khoảng trống. Nhưng bệnh viện công lập là nơi chăm sóc sức khỏe cho đại đa số người dân, từ người nghèo, người có công đến các đối tượng chính sách khác, như Bạch Mai hơn 90% người đến khám là sử dụng bảo hiểm y tế. Nếu như chúng tôi thiếu về cán bộ, thiếu về nguồn lực đồng nghĩa với việc chăm sóc sức khỏe cho đại bộ phận người dân lao động sẽ không được tốt như trước, sẽ không đảm bảo như trước.” 

Rõ ràng, nếu không sớm có giải pháp khắc phục trình trạng này thì ngành Y tế sẽ bị ảnh hưởng. Nhất là các cơ sở y tế công lập sẽ phải mất nhiều năm nữa để đào tạo được một lứa cán bộ có tay nghề, có chuyên môn vững vàng. 

GIẢI PHÁP GIỮ CHÂN NHÂN LỰC Y TẾ

Tình trạng bác sĩ bỏ bệnh viện công ồ ạt; hay làn sóng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố như thời gian qua thì sớm muộn cũng sẽ gây thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực ngành Y tế, đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp thì càng đòi hỏi cần nhanh chóng có giải pháp về cơ chế, chính sách phù hợp để nhân viên y tế yên tâm công tác lâu dài.

Ông NGUYỄN HOÀNG LONG, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế: “Đối với y tế cơ sở, hiện Bộ Y tế cũng đề xuất với Chính phủ để có biện pháp hoàn thiện hơn, trước hết là về hệ thống y tế và bố trí nhân lực. Đối với các phường xã có dân số đông trên 20 nghìn, có thể thành lập thêm các trạm y tế xã khác cùng trên địa bàn xã phường của mình, đó là điểm giảm áp lực cho ngành Y tế nhất là y tế cơ sở. Thứ 2 chúng tôi thực hiện chế độ luân phiên cán bộ y tế huyện xuống làm việc y tế xã để nâng cao năng lực cho y tế cơ sở.” 

Bà NGUYỄN THỊ THU DUNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: “Không chỉ là môi trường làm việc dịch dã bệnh tật mà các phương tiện trang thiết bị vật tư các bác sĩ làm việc cũng đang thiếu thốn và có vấn đề. Bên cạnh đó vấn đề muôn thủa chưa giải quyết được là thu nhập của cán bộ y tế đang thấp so với những gì họ bỏ ra. Vấn đề muốn giữ chân các bác sĩ ở lại, trước hết phải có môi trường làm việc để họ cảm thấy thoải mái yên tâm cống hiến, thứ 2 là thu nhập phải đảm bảo cho họ mà còn đảm bảo cho gia đình của họ nữa, đó là 2 vấn đề tôi nghĩ cần quan tâm hiện nay.” 

Như Thảo