Lạm phát lõi và công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước

Tính đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,87% so với cuối năm ngoái. NHNN nhận định, nền kinh tế Việt Nam có độ mở tăng cao, áp lực lạm phát nhập khẩu và tỷ giá là rất lớn trong năm 2023 . Vì vậy không thể chủ quan với rủi ro lạm phát trong năm tới. Thông tin trên được đại diện NHNN đưa ra tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng, tổ chức sáng nay (27/12).

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng khoảng trên 11,7 triệu tỷ đồng, hoạt động cho vay năm 2022 đã được tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Giải thích thêm về cơ chế điều hành tín dụng, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cảnh báo, lạm phát lõi cơ bản hiện tăng nhanh và đang ở mức đáng quan ngại. Cụ thể, lạm phát lõi tháng 1/2022 chỉ tăng 0,66% nhưng tháng 11 đã tăng hơn 4,82% và tháng 12 này có thể tăng hơn 5%. Đây là mức tăng cao nhất 10 năm qua, gây sức ép lớn với điều hành chính sách tiền tệ năm 2023.

Trong năm tới, mặt bằng lạm phát, lãi suất cao sẽ tiếp tục duy trì trên toàn cầu, vì vậy chính sách tiền tệ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Về định hướng điều hành trong năm 2023, Ngân hàng nhà nước cho biết sẽ theo sát biến động của kinh tế thế giới, đảm bảo cung ứng vốn kịp thời cho phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng sẽ không chủ quan với lạm phát. Mục tiêu là kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu QH đặt ra, ổn định giá trị đồng tiền và an toàn hoạt động ngân hàng.

Hiện 80 quốc gia trên thế giới có mức lạm phát trên 2 con số. Mặc dù sức ép từ việc tăng lãi suất của các NHTW trên thế giới vẫn tiếp diễn trong năm sau, nhưng Ngân hàng nhà nước cũng tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thùy Trang