Làm rõ biên chế, ngân sách chi cho lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Để phục vụ thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, sáng nay 3/4, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Huyện Đức Hòa có 17 xã, 3 thị trấn. Toàn huyện có 14 tổ bảo vệ dân phố, mỗi thị trấn đều có 1 ban bảo vệ dân phố. Mỗi đơn vị xã, thị trấn có 1 đội dân phòng xung kích (từ 5-10 thành viên); có 96 đội dân phòng ấp, khu phố với 678 thành viên. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở xã, thị trấn làm nhiệm vụ trực tiếp đảm bảo ANTT ở cơ sở, nhưng chế độ chính sách chưa được đảm bảo, chỉ tham gia theo phong trào và từng đợt cao điểm khi có yêu cầu. Huyện kiến nghị cần có quy định cụ thể về chế độ chính sách, ưu đãi để lực lượng này phát huy thế mạnh trong xây dựng lực lượng nòng cốt tham gia đảm bảo ANTT.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được sử dụng hiện nay và các chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng thành 1 lực lượng chung. Vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm là biên chế và chính sách đối với lực lượng này.

Theo Tờ trình của Chính phủ, lực lượng bảo vệ dân phố hiện có hơn 66.700 thành viên (được hưởng phụ cấp hằng tháng). Hơn 70.800 công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng . Hơn 161.000 đội trưởng, đội phó đội dân phòng (được hưởng hỗ trợ thường xuyên hằng tháng). Đoàn khảo sát cũng đề nghị địa phương làm rõ nhiệm vụ chi, ngân sách chi cho các lực lượng này cũng như, chức năng nhiệm vụ so với công an chính quy.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Khắc Phục