Làm rõ việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định quốc tịch

Để phục vụ thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật lực lượng tham gia bảo vệ An ninh trật tự ở cơ sở, sáng nay, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Đoàn khảo sát thực tế tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là 2 dự án Luật được Bộ Công an soạn thảo, trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Trên địa bàn huyện Bình Chánh (TP.HCM), hiện có tổng số 601 nhân khẩu đặc biệt gồm: nhân khẩu vắng mặt không rõ nơi đến, nhân khẩu thôi quốc tịch, nhân khẩu không quốc tịch, nhân khẩu di cư tự do, không có thông tin và nhân khẩu không có giấy tờ tùy thân. Đối với số nhân khẩu này, công tác cấp mã định danh cá nhân, cấp giấy xác nhận về cư trú vẫn được thực hiện thông qua cơ sở dữ liệu dân cư. Tuy nhiên, 1 số công dân gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự bởi công dân chưa được cấp thẻ căn cước công dân, chưa được cấp tài khoản định danh điện tử do còn vướng mắc về việc xác định nhân thân tại cơ quan tư pháp. Huyện đề xuất có chính sách hỗ trợ về quy trình xác minh, chứng minh thông tin tại cơ quan tư pháp. Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Đoàn khảo sát đề nghị địa phương chia sẻ quan điểm về việc cấp CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi , việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân. Về dự an Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị địa phương làm rõ thực trạng, có hay không việc thống nhất Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng thành 1 lực lượng; chế độ chính sách đối với lực lượng này.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Khắc Phục