Làm rõ việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự

Thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Phòng Thủ dân sự vào chiều 09/11, các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc cần thiết ban hành luật; không chỉ đảm bảo tính thống nhất, hoàn thiện pháp luật mà còn để ứng phó, khắc phục hậu quả trước những bất thường của mẹ thiên nhiên, những bất cẩn của con người và bất định bất ổn của thế giới.

Tuy nhiên, quy định việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự là nội dung cần được làm rõ để tránh chồng chéo việc vận động thu quá nhiều Quỹ.

Theo dự thảo Luật, Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh để huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động PTDS. Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại khi hiện nay đang có quá nhiều loại quỹ huy động sự đóng góp của nhân dân.

Ông PHẠM VĂN HÒA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: "Các quỹ hiện nay như Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ phòng, chống thiên tai, Quỹ phòng, chống dịch bệnh, v.v., các loại quỹ đều thực hiện trong công tác phòng thủ dân sự, nay chúng ta thành lập thêm Quỹ phòng thủ dân sự nữa thì có nhất thiết hay không. Trong khi đó, quy định các quỹ này có trách nhiệm hỗ trợ cho phòng thủ nhân sự."

Bà NGUYỄN THỊ THU NGUYỆT, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: "Tôi đề nghị cần phải thống nhất nguồn Quỹ phòng thủ dân sự quy về một mối trong công tác vận động xây dựng nguồn quỹ cũng như công tác quản lý, tránh việc thu, vận động nguồn quỹ chồng chéo, trùng lắp ở nhiều tổ chức, nhiều cơ quan, đơn vị với nhiều mức khác nhau, gây khó khăn cho người tham gia ủng hộ và thực hiện nguồn quỹ."

Cũng theo dự thảo Luật, Quỹ Phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự . Các ý kiến khác đề nghị cần làm rõ việc điều tiết các Quỹ khác thế nào; nhiệm vụ chi của Quỹ

Phòng thủ dân sự

, việc tổ chức, quản lý quỹ cụ thể.

Ông DƯƠNG KHẮC MAI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: "Các quỹ có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự như Quỹ Phòng, chống thiên tai, Quỹ Hỗ trợ phòng, chống dịch, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Hỗ trợ, khắc phục thiệt hại hạt nhân, v.v. các đối tượng thu, chi mang tính chuyên ngành hoàn toàn khác nhau. Do đó, khi Quỹ Phòng thủ dân sự hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ trên cần phải xác định rõ, cụ thể chi hỗ trợ theo đúng nội dung chi của từng quỹ, không thể chi hỗ trợ từ Quỹ phòng, chống thiên tai cho các thảm họa, sự cố ngoài thiên tai."

Ông THẠCH PHƯỚC BÌNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: "Điều tiết các quỹ nào cũng cần hết sức cân nhắc, chẳng hạn Quỹ phòng, chống thiên tai có phần đóng góp bắt buộc và phần tự nguyện, nếu điều tiết sang Quỹ phòng thủ dân sự thì điều tiết như thế nào cho hợp lý cũng cần được Ban soạn thảo chú ý làm rõ."

Bà LÊ THỊ THANH LAM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: "Quỹ Phòng thủ dân sự cần phải đảm bảo sau thành lập quỹ sẽ không chồng chéo, không có trùng hợp. Do đó, việc điều tiết từ các nguồn khác sang Quỹ phòng thủ dân sự được thực hiện như thế nào, cho những lĩnh vực gì và ai là người có thẩm quyền để điều tiết, cần phải có quy định cụ thể. Việc điều tiết cần đảm bảo công khai, minh bạch"

Cũng tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến quy định về 4 cấp độ phòng thủ dân sự trong dự thảo Luật, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ để tránh chồng chéo với các cấp độ sự cố, rủi ro đã được quy định trong các luật chuyên ngành như Luật: Luật Phòng chống thiên tai, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.