Liên kết sản xuất để nâng tầm giá trị cà phê

Hiện nay, ở các địa phương của tỉnh Đắk Lắk mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với việc tiêu thụ đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao giá trị và chất lượng các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu.

Qua đó bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi rõ nét, đời sống người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ngày một phát triển góp phần xây dựng nông thôn mới một cách bền vững. 

Năm 2018, một số nông dân tại buôn Kla, xã Đrai Sáp, huyện Krông Ana đã liên kết với Công ty TNHH MTV Ê Đê Café của anh Y Pốt Niê để cùng sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Thay vì sản xuất cà phê theo cách truyền thống, những thành viên trong tổ liên kết này bắt đầu một thói quen sản xuất mới, quy củ và nghiêm ngặt hơn. Hướng đến điều này, anh Y Pốt đã mời đơn vị độc lập về chứng nhận về kiểm tra, đánh giá, xét nghiệm từ đất, nước, hạt cà phê… và thành công có được chứng nhận HACCP và ISO 22000.

Đặc biệt với việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về chất lượng, môi trường sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, sản phẩm cà phê của các thành viên luôn được bán ra cao hơn so với thị trường từ 2,5 đến 5 triệu đồng/tấn, mỗi hộ thành viên sản xuất từ 2-2,5ha cà phê sẽ cho thu nhập tăng thêm từ 25 đến 50 triệu đồng/năm.

Tại Đăk Lăk, những mô hình liên kết tương tự như trên đang phát triển mạnh, giúp nông dân dần thoát khỏi tình trạng bấp bênh thất thường về giá nông sản. Qua đó, tạo đà phát triển sản xuất có hiệu quả giúp người dân ổn định và nâng cao thu nhập, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi đôi với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại trong quá trình xây dựng Nông thôn mới.

Đức Hưng