Sửa đổi Luật Thanh tra: Cần có cải tổ mạnh mẽ hơn trong mô hình tổ chức cơ quan thanh tra

Để chuẩn bị các nội dung cho phiên họp thứ 10 Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chiều 31/3, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đã tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra Dự án Luật Thanh Tra (sửa đổi). Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì buổi làm việc.

Cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), tuy nhiên một số ý kiến cho rằng báo cáo tổng kết của thanh tra còn chưa đánh giá được một cách toàn diện những ưu điểm hạn chế, bất cập trong thực hiện các quy định của Luật Thanh tra hiện hành để đề xuất các nội dung sửa đổi. Đối với nội dung về đánh giá hiệu quả của thanh tra cấp huyện các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá kỹ hiệu quả, đồng thời cần có cải tổ mạnh mẽ hơn trong mô hình tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính.

Bà MAI THỊ PHƯƠNG HOA, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp: “Liên quan đến quy định Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở căn cứ vào quy định của luật chuyên ngành, yêu cầu quản lý trên từng lĩnh vực và biến chế được giao của từng địa phương, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, có đánh giá tác động kỹ lưỡng với quy định này.”

Bà NGUYỄN THỊ KIM ANH, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Về thanh tra sở cũng có nêu là căn cứ vào yêu cầu quản lý trên từng lĩnh vực và biên chế được giao tại từng địa phương để đề xuất xem có thành lập thanh tra sở hay không, thì tôi thấy với quy định như vậy, nếu có lúc tổ chức khập khiễng thì khó trong tổ chức điều hành.”

Cùng với đó, các ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ các nội dung liên quan về phân định giữa thanh tra và kiểm tra, trình tự thủ tục tiến hành thanh tra, công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra.

Thùy Linh