Luật phòng, chống bạo lực gia đình: Đàn ông cũng cần được bảo vệ

Bạo lực gia đình đã và đang là vấn đề mang tính toàn cầu, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng. Tại phiên thảo luận tổ chiều 31/5, cho ý kiến về Luật phòng, chống bạo lực gia đình, các đại biểu Quốc hội cho rằng bên cạnh quy định bảo vệ người bị bạo lực gia đình, cần bổ sung, làm rõ chủ thể, đối tượng được bảo vệ.

Cho ý kiến về Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình, các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung trong dự thảo Luật và thực tế đang đặt ra một số vấn đề cần sửa đổi Luật. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đoàn Bạc Liêu nhận định, cách tiếp cận trong dự thảo luật đã dựa trên quy định trong Hiến pháp năm 2013, thể hiện bước tiến lớn về quyền con người trong thiết kế nguyên tắc, chế định với vấn đề quyền con người trong chính trị, văn hoá, kinh tế… Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ các chủ thể hưởng quyền lợi được bảo vệ trước bạo lực gia đình, trong đó có đối tượng nam giới chưa được nêu trong dự Luật.

Bà TRẦN THỊ HOA RY, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: “Nạn nhân của bạo lực gia đình được đề cập trong thực tiễn như người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên thực tiễn có thể còn nam giới, nhưng chưa được đề cập trong Luật. Vấn đề cũng rất tế nhị. Nên trong nội dung của Luật cần làm rõ nạn nhân là chủ thể nào, là những người trong quan hệ gia đình, hay chỉ là những người yếu thế.”

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bế Minh Đức, đoàn Cao Bằng phân tích thêm, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có số liệu, thống kê khá chi tiết. Sau hơn 10 năm thực hiện Luật, lần này nên bổ sung và làm rõ các đối tượng, chủ thể được bảo vệ trước bạo lực gia đình.

Ông BẾ MINH ĐỨC, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: “Phấn đấu bình đẳng giới số liệu hiện nay chỉ một mặt, chưa có phản ánh đàn ông bạo lực phụ nữ và ngược. Luật cần hướng tới quy định chặt chẽ hơn. Quan điểm của tôi là cần nghiên cứu để hoàn thiện.”

Theo các đại biểu, dù trong thực tế các đội tượng bị bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em, song với quy định của pháp luật cần quy định đầy đủ, đảm bảo tính thực thi của pháp luật.

Tùng Dương