Luật phòng chống rửa tiền (sửa đổi): Chưa bao quát hết các dấu hiệu đáng ngờ

Cũng trong chiều 24/10, thảo luận tại tổ về Luật phòng chống rửa tiền (sửa đổi), nhiều đại biểu nhấn mạnh đến việc phải có những quy định cụ thể về những dấu hiệu đáng ngờ. Bởi điều này sẽ dễ mang cảm tính và dễ bị lạm dụng.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức Đoàn TP Hồ Chí Minh nêu rõ thực trạng hiện nay liên quan đến việc núp bóng, gây quỹ làm từ thiện, đi du lịch. Kẽ hở là các đối tượng lợi dụng chuyển tiền cho người thân ra nước ngoài qua các nền tảng giao dịch điện tử, rất khó kiểm soát. Đại biểu đã dẫn chứng trường hợp một đối tượng tại Q.7 (TP Hồ Chí Minh) đi du lịch sang Bồ Đào Nhà, thông qua luật sư mở tài khoản ngân hàng tại đây để làm từ thiện.

Ông NGUYỄN MINH ĐỨC, Đại biểu Quốc hội, TP Hồ Chí Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội: “Chỉ trong 24 giờ, gia đình người này đã chuyển sang 200.000 Euro. Vì không bị giới hạn số tiền chuyển qua giao dịch trực tuyến, nên trường hợp các đối tượng lợi dụng khe hở này thì rõ ràng hành lang của luật chưa kiểm soát được, đề nghị cơ quan soạn thảo cần tính toán lại điều này.”

Cũng có ý kiến cho rằng, Điều 28 đến 33 trong Luật phòng chống rửa tiền (sửa đổi) quy định dấu hiệu đáng ngờ trên 6 lĩnh vực như ngân hàng, trung gian thanh toán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, kinh doanh trò chơi có thưởng, kinh doanh bất động sản. Khẳng định 6 lĩnh vực này là chưa bao quát, đại biểu đề nghị bổ sung 1 điều khoản quy định những dấu hiệu đáng ngờ ở các lĩnh vực khác, giao Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế để có những điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.

Bà NGUYỄN THỊ NGỌC XUÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: “Đề nghị làm rõ nội hàm quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền, theo đó ngoài việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, cần triển khai thực hiện những chính sách đối với các tổ chức, cá nhân những lực lượng tham gia phòng, chống rửa tiền, hoặc những chính sách nghiên cứu đầu tư khoa học công nghệ, trang thiết bị cho lĩnh vực này, hoặc chính sách đặc thù, ưu đãi cho những lực lượng chuyên trách tham gia phòng, chống rửa tiền, tôi nghĩ điều này rất cần thiết, đề nghị bổ sung thêm.”

Đồng tình với nội dung mà UBKT nêu trong báo cáo thẩm tra tại Điều 44 quy định về các biện pháp trì hoãn giao dịch, Đại biểu Trần Tuấn Anh nhấn mạnh đến việc phải có những quy định cụ thể về những dấu hiệu đáng ngờ.

Ông TRẦN TUẤN ANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa - Trưởng ban Kinh tế Trung ương: “Chúng ta cần phải làm rõ thế nào để có cơ sở hợp lý để nghi ngờ chứ nếu không nó sẽ mang cảm tính mà cái này rất dễ bị lạm dụng, tốt nhất là nên quy định ngay trong dự thảo luật để đảm bảo quyền con người và đồng thời phù hợp với Hiến pháp 2013 của chúng ta. Và cần có những quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm, điều kiện trì hoãn giao dịch phong tỏa tài khoản, niêm phong và phong tỏa, tạm giữ tài sản, để minh bạch rõ ràng và tránh lạm quyền trong các biện pháp và các hoạt động để phòng chống rửa tiền.”

Ngoài ra, Điều 8 trong dự thảo Luật đề cập 7 hành vi bị nghiêm cấm, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm một quy định “Những hành vi vi phạm khác về phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật”, để bảo đảm tính toàn diện, bao quát khi Luật được áp dụng trong thực tế.