Luật sư bị phạt nặng hơn nếu cản trở hoạt động tố tụng

Sáng 29/8, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Pháp lệnh đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 15 thông qua tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, ngày 18/8/2022.

Tại buổi họp báo, quy định về hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên toà; lý do luật sư bị xử phạt nặng hơn trong cùng hành vi vi phạm được các cơ quan thông tấn, báo chí đề nghị làm rõ. 

Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng gồm 4 chương; 48 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022.  Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Pháp lệnh này không quy định các hành vi mới, mà chỉ quy định cụ thể hơn việc xử phạt, các hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt đối với những hành vi không được phép thực hiện, hành vi bị coi là cản trở hoạt động tố tụng đã được quy định trong các đạo luật tố tụng. Về việc hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên toà, điều 23, Pháp lệnh quy định, sẽ phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ toạ tại phiên toà hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ. Quy định vậy nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Ông NGUYỄN TRÍ TUỆ, Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao: “Đây là nguyên tắc thể hiện đảm bảo quyền con người, báo chí có quyền của báo chí, những người khác có quyền được bảo vệ họ, thực hiện quyền người này không được xâm phạm quyền người khác. Chúng tôi đang trình xây dựng quy phạm, cách tác nghiệp của nhà báo tại phiên toà.”

Lý giải cho quy định, về cùng một hành vi vi phạm nhưng luật sư lại bị xử phạt cao hơn so với đối tượng khác, Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao cho biết, quy định này đã có sự nghiên cứu, đánh giá rất kỹ trước đó.

Ông NGUYỄN TRÍ TUỆ, Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao: “Quan điểm của chúng tôi Luật sư là người am hiểu pháp luật, khi tham gia tố tụng, họ phải thể hiện sự tôn trọng pháp luật, thậm chí làm gương cho những người khác tuân thủ theo. Họ vi phạm thì mức nặng hơn. Như Tổng Bí thư nói, người làm công tác chống tham nhũng mà tham nhũng thì xử nặng hơn người bình thường, ở đây lật sư cũng thế”

Trong trường hợp hành vi vi phạm của luật sư đến mức phải áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam thì sẽ áp dụng theo Nghị định 82 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. 

Vũ Hiếu