• 1088 lượt xem
  • 15:02 06/04/2022
  • Xã hội

Điểm báo sáng 6/4: Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có thêm cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành khoa học, công nghệ

Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đề xuất thêm cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành khoa học, công nghệ; TP. Hồ Chí Minh: Nhiều nhân viên y tế nghỉ việc vì thu nhập không như mong đợi; Hệ lụy cất tiền vào đất; Trường mầm non tại Hà Nội vẫn "cửa đóng then cài"... là những tin tức đáng chú ý đăng trên các báo ngày 6/4/2022.

Phát triển khoa học công nghệ  và đổi mới sáng tạo có cơ chế đặc thù để thu hút chuyên gia
 
Để xây dựng Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đề xuất thêm cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành khoa học, công nghệ. Bài viết được đăng trên báo Kinh tế và Đô thị sáng nay.

Theo bài viết, tại Dự thảo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) có đề xuất chính sách “Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Chính sách đã đề xuất, để thu hút nguồn lực phát triển khoa học công nghệ Thủ đô, cần có quy định mức thu nhập tăng đối với công chức, viên chức công tác trong ngành khoa học công nghệ, các nhà khoa học, chuyên gia đang làm việc cho Thủ đô. Về chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động ươm tạo đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô, chính sách đề xuất được thí điểm triển khai mô hình tổ chức đầu tư mạo hiểm có sử dụng một phần ngân sách thành phố và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thu hút, thúc đẩy khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp, đổi mới công nghệ.

TP. Hồ Chí Minh: Nhiều nhân viên y tế nghỉ việc vì thu nhập không như mong đợi

Theo bài viết, làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc đang diễn ra ở nhiều bệnh viện trên địa bàn TP HCM. Theo đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, 3 tháng đầu năm có khoảng 400 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Đây là con số không hề nhỏ so với thời điểm trước đây. Với góc nhìn của chuyên gia trong ngành, PGS. TS Đỗ Văn Dũng – Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP HCM cho rằng: Ngoài nguyên nhân về thu nhập, áp lực công việc, khối lượng công việc gia tăng kèm theo những stress về cảm xúc, tâm lý, dẫn đến tình trạng nhân viên y tế bị kiệt sức, hay kiệt quệ với nghề nghiệp. Nguyên nhân thứ ba không kém phần quan trọng, đó là việc công nhận vai trò của nhân viên y tế chưa thật đầy đủ nhưng sai sót chút lại bị khiển trách, chê bai nên có điều kiện họ cũng bỏ việc.

Hệ lụy cất tiền vào đất
Xu hướng đổ tiền vào đất nền có thể tạm được giải thích là do các kênh làm ăn đều khó khăn sau COVID-19.  Nhưng nền kinh tế không thể phát triển khi người dân đua nhau cất tiền vào đất. Tiền đổ vào đất nền phân lô đa số là tiền "ngủ quên". Thực tế, việc đầu tư vào đất nền hoặc xây nhà rồi bỏ trống chỉ gây sốt đất, là nguồn cơn gây ra lạm phát. Hệ lụy của việc đổ quá nhiều tiền vào đất nền không chỉ tạo ra tiền ngủ quên mà còn làm hụt dòng tiền đổ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi một xã hội thịnh vượng, giàu có, tươi đẹp thì vốn phải được đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hóa, dịch vụ.

Trường mầm non tại Hà Nội vẫn "cửa đóng then cài"

Rất nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng, khi thủ đô Hà Nội đã định hình một tâm thế mới, phần lớn các hoạt động đã bình thường trở lại, trường học nên rộng cửa đón học sinh, đặc biệt là hệ thống giáo dục mầm non. 

Đã gần một năm trôi qua, trường mầm non tại Hà Nội vẫn "cửa đóng then cài". Giáo viên mất việc, trường học giải thể, phụ huynh khốn khổ tìm giải pháp trông con... tất cả cuốn vào trận "cuồng phong" do đại dịch COVID-19 tạo ra. Theo chia sẻ của một số phụ huynh, Trẻ mầm non là đối tượng cần được tương tác để phát triển về thể chất và tinh thần. Nếu chưa mở cửa đồng bộ, thành phố có thể thí điểm hoặc mở cửa trường lần lượt dựa trên nhu cầu và tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Và không chỉ phụ huynh, các giáo viên cũng khao khát tiếng cười trẻ thơ, mong mỏi ngày đến lớp.