Lực lượng cảnh sát cơ động có luật riêng - phát huy vai trò "quả đấm thép" trong bảo vệ an ninh, an toàn

Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung, sử dụng biện pháp vũ trang để chống hành vi bạo loạn, khủng bố. Nhiệm vụ bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng của đất nước và các địa phương đã và đang được lực lượng này triển khai thực hiện. Chính vì vậy, Cảnh sát cơ động được ví như “quả đấm thép” của ngành Công an trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho SEA Games 31, lực lượng Cảnh sát cơ động với phương tiện đặc chủng, công cụ hỗ trợ, chó nghiệp vụ, kỵ binh đã xuất quân triển khai các phương án. Sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi xảy ra các tình huống bất ngờ, Cảnh sát cơ động đã góp phần vào thành công của kỳ SEA Games này.

Đây chỉ là một trong rất nhiều nhiệm vụ mà Cảnh sát cơ động (CSCĐ) vẫn đang thực hiện như: Bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội.

Trung tá PHẠM MẠNH CƯỜNG, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc nhiệm số 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động:Đảm bảo an ninh an toàn cho SEA Games hòa bình và an toàn nhất, cán bộ chiến sỹ đã xây dựng phương án, tổ chức thực hiện phương án trên các dạng, đặc biệt là phương án phòng chống khủng bố, con tin, giải cứu con tin trong quá trình tổ chức sự kiện.”

Còn với nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng như: bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, lực lượng CSCĐ cũng đã sẵn sàng các phương án có sử dụng các phương tiện kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ. Thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như vậy, Cảnh sát cơ động cần 1 hành lang pháp lý đầy đủ để tổ chức thực hiện hiệu quả nhất, không để xảy ra bất cứ sai sót nào trong đảm bảo an ninh, an toàn.

Trung tướng PHẠM QUỐC CƯƠNG, Nguyên Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ Công an: “Trong dự thảo Luật đã có đánh giá những vấn đề nổi bật. Dự thảo Luật đã bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn cùa cảnh sát cơ động, quy định việc cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, khí tài, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đặc chủng hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.”

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đã cụ thể hóa 9 nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, trong đó, có quy định “sử  dụng biện pháp vũ trang  là chủ yếu  để  c hống hành vi bạo loạn, khủng bố ” hay “Tấn công, ngăn chặn  đối tượng  thực hiện  hành vi  bắt cóc con tin,  sử dụng bạo lực xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức."

Ông QUẢN MINH CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Đặc biệt là lực lượng vũ trang, còn phải sử dụng các biện pháp, các đơn vị kỵ binh, chó nghiệp vụ, trực thăng nhảy dù, sử dụng vũ khí để trấn áp. Luật Cảnh sát cơ động lần này đề cập rất nhiều nội dung nhưng theo tôi quy định về chức năng, quy định, quyền hạn của Cảnh sát cơ động và cũng phải quy định chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng về trang bị phương tiện vật chất và cơ chế hậu cần đảm bảo cho cảnh sát cơ động.”

Cảnh sát cơ động thực hiện biện pháp vũ trang, đáp ứng yêu cầu tác chiến nhanh để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nâng Pháp lệnh Cảnh sát cơ động thành Luật sẽ giúp cho lực lượng này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong tình hình mới.

Tùng Dương