Lượng hóa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Làm việc với Bộ Công an chiều nay về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương-Trưởng đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội đề nghị Bộ cần báo cáo làm rõ hiệu quả, lượng hóa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiến nghị rõ hơn việc hoàn thiện chính sách pháp luật về lĩnh vực này.

 Theo Bộ Công an, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) trong những năm qua đã đi vào nền nếp, được triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. 

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định đồng bộ về quản lý, khai thác kho dữ liệu số nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện việc cấp biển số xe qua bán đấu giá; gây lãng phí các nguồn lực công, thất thoát cho ngân sách. Qua triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quản lý, sản xuất căn cước công dân, Bộ Công an đã cắt, giảm, tiết kiệm được 1.051 tỷ đồng so với dự toán trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về kết quả điều tra các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, tổng giá trị thiệt hại, thất thoát, lãng phí là hơn 31.700 tỷ đồng. 

Bà VŨ THỊ LƯU MAI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội: “Tỷ lệ thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng và kinh tế ngày 1 tăng thêm nhưng tăng như thế nào thì báo cáo chưa đề cập cụ thể. Số lượng không thu hồi được cũng rất lớn, đây là điểm cần đánh giá khách quan.”

Thượng tướng TRẦN QUỐC TỎ, Thứ trưởng Bộ Công an:Số liệu cụ thể tỷ lệ thu hồi tài sản qua các vụ án thì chúng tôi vẫn báo cáo thường xuyên với Quốc hội, Chính phủ và Trung ương nhưng để đánh giá chính xác, khái niệm về tài sản thất thoát, tài sản thu hồi quả là một vấn đề về nhận thức. Kể cả áp dụng các biện pháp tố tụng cũng phải theo quy trình chứ không phải phát hiện ngay mà có thể kê biên được tài sản.”

Ông BÙI ĐỨC THỤ, Chuyên gia: Những cái đó thì đụng tới cái Luật, Nghị định, Thông tư, Nghị quyết nào? Qua điều tra chúng tôi thấy các đồng chí rất sâu chỗ này, chỉ có mỗi khâu tổng hợp lại, yêu cầu sửa chỗ nọ chỗ kia, để bịt lỗ hổng, làm sao muốn tham nhũng không thể tham nhũng được .”

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện Báo cáo cả về nhận định đánh giá và số liệu, trong đó nêu rõ những ưu điểm nổi bật, những hạn chế, nguyên nhân, quy được trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp với VKS, Tòa án, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ tổng hợp các vụ việc, dự án phải dừng do đang trong quá trình tố tụng hoặc chưa thi hành án được.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: "Lãng phí rất lớn. Có nghĩa người đã xử rồi, kỷ luật, đi tù rồi nhưng để triển khai đưa các dự án này không phải dễ. Vì có những dự án, vụ việc đã chuyển qua F5 rồi, thì đối tác số 5 này người ta không có vi phạm pháp luật gì nhưng giờ chôn hẳn tiền vào đấy, không tháo gỡ được, lãng phí không chỉ nguồn lực của nhà nước mà còn của xã hội".

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Công an có kiến nghị cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, bao gồm cả các luật hình thức và luật nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực.

Khắc Phục