• 1031 lượt xem
  • 20:40 22/02/2022
  • Kinh tế

Tiếp tục đòi hỏi minh bạch từ chuyện 2 triệu m2 đất vàng bị bỏ hoang ở Nam Từ Liêm, Hà Nội

Đất đai vừa là tài nguyên, vừa là tài sản đặc biệt của quốc gia; đất đai không chỉ là nguồn lực để phát triển kinh tế mà còn là vấn đề an ninh, chính trị, ổn định xã hội của đất nước. Để tăng cường quản lý nguồn lực này, chúng ta cần minh bạch thông tin về quy hoạch đất đai.

Đây là 2 trong nhiều khu đất “vàng” có nguồn gốc đất công bị sử dụng sai mục đích, không phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013 thuộc Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Mặc dù thời gian qua Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc đồng thời kiến nghị chuyển cơ quan điều tra, làm rõ vi phạm, nhưng đến nay những cơ sở kinh doanh tư nhân tại đây vẫn hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra. Còn đây là 2 trong số 38 dự án, với tổng diện tích hơn một triệu m2 đất “vàng” bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích nhiều năm nay tại quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Điều đáng nói là hầu hết các dự án này đã được HĐND TP Hà Nội chỉ ra từ giữa năm 2018, đến nay sau 3 năm dù đã có chuyển biến nhưng chỉ là những chuyển biến “trên giấy” mà thôi.

Bà HỒ VÂN NGA  - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội: “Dù quận có thực hiện thanh tra kiểm tra, có chỉ đạo, song việc đôn đốc kiểm tra các dự án của từng ngành chưa có động thái tích cực, không chủ động ngay sau khi phát hiện sai phạm.”

Không chỉ Hà Nội mà tại hầu hết các địa phương đều tồn tại thực trạng này. Qua thanh tra cho thấy, những vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai chủ yếu thể hiện trong việc: Quy hoạch sử dụng đất thiếu tính khả thi, không đồng bộ; việc giao, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; lấn chiếm đất công để sử dụng; chuyển nhượng trái phép; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất không đúng quy định. Chính vì vậy, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trên 60% trong tổng số đơn khiếu nại, tố cáo nói chung. Vậy nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là gì, khi hệ thống cơ sở pháp lý về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai được xem là khá toàn diện khi chúng ta đã có Luật Đất đai 2013, Luật Quy hoạch 2017….

GS.TS NGUYỄN VĂN SONG - Học viện Nông nghiệp Việt Nam: “Chúng ta chưa đi đến gốc của vấn đề, cơ chế đất đai hiện nay chưa rõ ràng. Chúng ta phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Chính phủ thì Chính phủ phải vận dụng tốt nhất những quy luật của kinh tế thị trường. Còn những chỗ nào méo mó thất bại của thị trường thì nơi đó bàn tay chính phủ phải can thiệp. Thứ 2 là thông tin về quy hoạch đất đai về sử dụng đất đai là không rõ ràng muốn hiệu quả, muốn bớt được tham nhũng thì thông tin về đất đai, quy hoạch về đất đai, giá đất đai là phải rõ ràng nhưng thực tế hiện nay chưa rõ nên mới dẫn tới hiện tượng là lợi dụng rồi tạo ra những lợi ích nhóm.”

PGS. TS NGÔ THỊ PHƯƠNG THẢO - Trưởng khoa Bất động sản, Kinh tế Tài nguyên, Trường ĐH KTQD Hà Nội: “Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ về thẩm quyền giao đất theo đó, UBND cấp xã, thôn không có thẩm quyền cấp đất nhưng hiện nay UBND xã vẫn thực hiện. Nguyên nhân là do cán bộ quản lý ở cấp cơ sở chưa có hiểu biết nhiều về pháp luật do đó vô tình thực hiện cấp đất sai thẩm quyền.Thứ hai là lợi ích từ việc cấp đất đó nên họ cố tình trong việc cấp sai phép. Còn việc lien quan tới việc cấp sai mục đích thì trong các quy định pháp luật về đất đai cũng đã quy định rất rõ, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra nguyên nhân là do sự chênh lệch về địa tô, giá trị giữa đất chuyển đổi và quan trọng là sự buông lỏng trong quản lý của các cấp chính quyền địa phương cố tình làm sai để hưởng lợi.”

Như chúng ta đã biết, quy hoạch sử dụng đất quốc gia là quy hoạch và khoanh vùng không gian sử dụng đất, hoạch định và phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực và địa phương trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đưa đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường. Chính vì vậy những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai kế hoặc sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 cần được nhìn nhận khách quan, rõ ràng để có giải pháp khắc phục trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tiếp theo./.

Ninh Tùng