Một số bất cập trong thi hành Luật Công chứng năm 2014 tại tỉnh Bắc Giang

Để chuẩn bị cho phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật về “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng”, sáng nay Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về nội dung này. Đây là địa phương thứ 2 trên tổng số 7 địa phương mà Đoàn khảo sát sẽ làm việc trực tiếp.

Bắc Giang hiện có 20 Văn phòng công chứng với 44 công chứng viên. Nhìn chung hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở - lĩnh vực vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp; đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch; giảm thiểu công việc cho Toà án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự. Tuy nhiên cũng còn những hạn chế khi việc phân bố các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh còn chưa đồng đều; đa số các tổ chức hành nghề công chứng tập trung tại thành phố; còn 2/10 huyện trên địa bàn là Sơn Động và Yên Thế do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và cũng do không có nguồn công chứng viên nên chưa có Văn phòng công chứng. Hoạt động hành nghề công chứng trên địa bàn có biểu hiện tình trạng công chứng “khống”, công chứng “treo”, cạnh tranh không lành mạnh nhưng khó phát hiện, xử lý. Từ thực tế triển khai Luật Công chứng 2014, các ý kiến cũng đề nghị cần phải sửa đổi quy định để làm rõ hậu quả pháp lý của việc chấm dứt tư cách hợp danh của công chứng viên hợp danh; tránh hợp danh hình thức, không đảm bảo hiệu quả hoạt động công chứng.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát cũng đã trao đổi và đề nghị làm rõ một số vấn đề như: việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và hành nghề của công chứng viên; tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; việc thực hiện công chứng các loại hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật; Trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về công chứng.

Vũ Hiếu