Điểm báo quốc tế 27/7: Mỹ lên tiếng với Trung Quốc về Biển Đông

Mỹ cam kết tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine; EU đồng ý kế hoạch hạn chế sử dụng khí đốt; Tranh luận của 2 ứng viên Thủ tướng Anh gián đoạn vì sự cố; Các tập đoàn tiêu dùng lớn xem xét tăng giá vì lạm phát; Mỹ lên tiếng với Trung Quốc về Biển Đông;...là những tin tức quốc tế đáng chú ý trưa ngày 27/7.

MỸ CAM KẾT TĂNG CƯỜNG VIỆN TRỢ QUÂN SỰ CHO UKRAINE

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine vừa có cuộc điện đàm, trong đó Mỹ cam kết sẽ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.

Trang Tass dẫn thông báo của Lầu Năm Góc, theo đó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trấn an Ukraine rằng Washington đang xúc tiến nhanh việc chuyển giao thiết bị cho Ukraine, bao gồm hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS . Trước đó, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine ngày 24/7 cho biết, các nghị sĩ Mỹ cam kết cung cấp tới 30 hệ thống HIMARS cho nước này.

EU ĐỒNG Ý KẾ HOẠCH HẠN CHẾ SỬ DỤNG KHÍ ĐỐT

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về kế hoạch khẩn cấp tự nguyện giảm tiêu thụ khí đốt, nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga và chuẩn bị cho kịch bản ngừng nhập khẩu. Thông tin trên tờ The Guardian.

Các Bộ trưởng năng lượng từ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, ngoại trừ Hungary, đã ủng hộ việc tự nguyện cắt giảm 15% lượng sử dụng khí đốt trong mùa đông, một mục tiêu trên thực tế có thể trở thành bắt buộc nếu Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt cho khu vực này. Thỏa thuận được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom tuyên bố cắt giảm lượng giảm khí đốt xuất khẩu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 tới châu Âu với lý do kĩ thuật.

TRANH LUẬN CỦA 2 ỨNG VIÊN THỦ TƯỚNG ANH GIÁN ĐOẠN VÌ SỰ CỐ

Tại Anh, cuộc tranh luận được phát sóng trực tiếp trên truyền hình giữa hai ứng viên của đảng Bảo thủ hôm qua đột ngột bị tạm dừng sau khi người điều phối ngất xỉu trên sân khấu.

Trang Sky News đăng tải hình ảnh khuôn mặt đầy kinh ngạc của bà Liz Truss khi chứng kiến người điều phối chương trình bị ngất xỉu ngay giữa cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên, và sau đó chương trình đã bị dừng lại. Ngay sau đó, một người dẫn chương trình của TalkTV đã xuất hiện trên sóng từ trường quay khác, cho biết các ứng viên Thủ tướng Anh vẫn đang tiếp tục phần hỏi và trả lời bên ngoài máy quay trước các khán giả có mặt tại cuộc tranh luận. Kênh TalkTV đã đăng tải thông báo về tình hình sức khỏe của người điều phối và gửi lời xin lỗi đến người xem về sự cố này.

CÁC TẬP ĐOÀN TIÊU DÙNG LỚN XEM XÉT TĂNG GIÁ VÌ LẠM PHÁT

Các tập đoàn hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới như Unilever, Coca-Cola và McDonald's vừa lên tiếng cảnh báo về khả năng tăng giá bán các mặt hàng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng cao.

Theo Financial Times, giá các thương hiệu của tập đoàn Unilever - bao gồm xà phòng Dove, các sản phẩm tẩy rửa Cif đã tăng trung bình 11,2% trong quý II và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa. Coca-Cola cho biết giá các sản phẩm của mình tăng khoảng 5%, trong khi McDonald's đang xem xét thêm vào các lựa chọn giảm giá để thu hút khách hàng. Lạm phát đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ đang ảnh hưởng đến toàn cầu từ các tập đoàn, công ty cho tới người tiêu dùng.

MỸ LÊN TIẾNG VỚI TRUNG QUỐC VỀ BIỂN ĐÔNG

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc điện đàm trong tuần này, trong đó hai nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận về nhiều vấn đề. Ngay trước khi diễn ra cuộc điện đàm, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, khẳng định các hành động “gây hấn” của nước này có thể gây xung đột trong khu vực. Thông tin này được nhiều tờ báo đăng tải.

Với bài báo có tiêu đề “Những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông có nguy cơ kích động xung đột lớn”, trang mạng Channel News Asia dẫn phát biểu của ông Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương, cho biết đã có “hàng tá” vụ việc xảy ra trong nửa đầu năm nay liên quan đến quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, tăng mạnh trong 5 năm qua. Mỹ đánh giá hành vi này là mối đe dọa đáng kể nhất đối với hòa bình và ổn định trong khu vực, có nguy cơ kích động xung đột bất cứ lúc nào. Bình luận đưa ra trước thềm cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc, cho thấy đây cũng có thể là một nội dung được thảo luận trong bối cảnh 2 nước đang tập trung vào việc ngăn chặn cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung trở thành xung đột. Trong tuần sau cũng sẽ diễn ra cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Đông Nam Á và đối tác, bao gồm cả Mỹ, và sẽ bàn về vấn đề này.

Một bài báo trên South China Morning Post dẫn ý kiến cho rằng, cần có “sự lên án đa phương” trước các hành động gây hấn. Bài viết dẫn phát biểu của bà Jung Pak lãnh đạo Cục các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng, việc “tập hợp các nước lên án các tuyên bố chủ quyền hàng hải trái pháp luật của Trung Quốc, nâng cao nhận thức của ASEAN, xử phạt các thực thể gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh trên biển, cũng như tiến hành các cuộc tập trận đa phương thường xuyên sẽ củng cố niềm tin của khu vực vào quyết tâm của Mỹ trong vấn đề này”. Bài báo cũng đề cập  đến những lo ngại của chuyên gia trên các diễn đàn về những hành vi của Trung Quốc, đồng thời hoan nghênh phản ứng nhiều hơn từ phía Mỹ./.