Nâng cao trách nhiệm trong tiếp công dân và giải quyết kiến nghị của cử tri

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 đã khẳng định, công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội tiếp tục được duy trì thường xuyên và đi vào nề nếp,

Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được tăng cường, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri có 3.393 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và 100% kiến nghị đó đã được giải quyết, trả lời.

Báo cáo cũng cho thấy, cử tri tin tưởng và đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động dự báo; chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa; chủ động phối hợp và giữ vững kỷ cương đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất để kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và phòng, chống dịch Covid-19. Cử tri và Nhân dân đánh giá cao phiên chất vấn đầu tiên tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khóa XV. Đặc biệt, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nghe báo cáo về công tác dân nguyện hằng tháng đã tạo nền nếp và chuyển biến về chất lượng, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc giải quyết kiến nghị cử tri.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng khẳng định, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. Bên cạnh đó, tiếp thu kiến nghị cử tri về đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát, Quốc hội, UBTVQH đã và đang tiến hành giám sát tối cao 4 chuyên đề, tập trung vào giám sát những vấn đề bức xúc cử tri đang quan tâm. Nhìn chung, các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý Nhà nước. Nhiều kiến nghị được giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân.

Bên cạnh việc ghi nhận các Bộ, ngành giải quyết tốt kiến nghị của cử tri, Trưởng ban Dân nguyện chỉ rõ việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, một số quyền lợi hợp pháp của người dân đã được quy định nhưng việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả nên người dân chưa được thụ hưởng. Một số kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết do một số bộ, ngành chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, không thống nhất về quan điểm khi nghiên cứu giải quyết. Kiến nghị cử tri mặc dù đã được bộ, ngành chỉ đạo giải quyết nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc nên chưa được giải quyết dứt điểm. Một số văn bản bộ, ngành trả lời cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải quyết.

Ông DƯƠNG THANH BÌNH, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; giải đáp ngay những vấn đề cử tri kiến nghị đã được pháp luật quy định hoặc đã được trả lời, giải quyết dứt điểm, tránh việc tổng hợp những kiến nghị này gửi lên các cơ quan Trung ương đề nghị giải quyết.”

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau.