Nên quy định cụ thể chính sách phát triển điện ảnh

Sáng 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo và thảo luận về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật điện ảnh sửa đổi. Trước đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự án luật này.

Việc có cần quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) hay không vẫn còn ý kiến khác nhau. Người làm nghề và Ban soạn thảo mong muốn xây dựng được quỹ này nhưng chưa đưa ra được phương án khả thi cho nguồn thu, khả năng độc lập tài chính của quỹ.

Ông LÊ HỒNG CHƯƠNG - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: “Nói đi nói lại vì tài chính nên chưa thực hiện được quỹ hỗ trợ điện ảnh. Nếu lần này mà bỏ quy định đó đi thì chúng tôi rất buồn và không hiểu sẽ điều hành sự phát triển điện ảnh như thế nào…”

Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (quy định tại các điều 5, 6, 14), một số ý kiến cho rằng quy định còn chung chung, đồng thời đề xuất cần có ưu đãi về thuế cụ thể hơn. 

Ông ĐẬU ANH TUẤN - Trưởng ban Pháp chế, VCCI: “Chính sách phát triển điện ảnh, cách quy định cần gia cố hơn, ưu đãi thuế mà lại đưa điều kiện quá cao thì không khả thi. Đề nghị đưa vào luật quy định ưu đã thuế cụ thể…”

Đại diện cho Ủy ban Pháp luật và Vụ Pháp luật cho rằng cần đảm bảo nguyên tắc là đồng bộ và minh bạch chính sách, các quy định về ưu đãi thuế chỉ có ý nghĩa khi sửa đổi đồng thời các luật chuyên ngành như Luật Thuế để tránh tình trạng các quy định "chỉ có trên giấy" mà không phát huy trong thực tiễn.

Bà TRƯƠNG THỊ DIỆU THUÝ - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội: “Về mặt tính thống nhất của pháp luật thì Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng nếu có chính sách ưu đãi thuế thì phải sửa đổi đồng bộ Luật Thuế. Ví dụ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp định giảm mức thuế suất bao nhiêu, ưu đãi thuế giá trị gia tăng thì giảm thế nào. Quan điểm của Ủy ban Pháp luật là nếu đã có ưu đãi thuế trong Luật thì phải sửa Luật Thuế nữa, nếu không sẽ treo ở đấy, nó chỉ là tuyên ngôn thôi.”

Đối với vấn đề ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, các đại biểu cũng đang đề nghị tạm thời để hai phương án là quy định cụ thể hơn hoặc là chỉ quy định về mặt nguyên tắc. 

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: "Điều 41 về việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, để 2 phương án, nhưng mà tôi sợ rằng nếu đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà mình không nêu cụ thể thì họ coi như bỏ qua, vì vậy cần nghiên cứu thêm."

Một số ý kiến đề nghị các chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh nên quy định tại một điều. Nhiều chuyên gia cho rằng các quy định chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh cần có chính sách đột phá hơn để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh./.

Ngọc Tuấn