Nga và phương Tây đối đầu về dầu và khí đốt

Mỹ đã chính thức cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt để đáp trả việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ucraina. Cùng với Mỹ, Liên minh châu Âu và Anh đồng thời tuyên bố lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Như vậy, một cuộc đối đầu mới đã nổ ra giữa phương Tây và Nga, được dự báo sẽ tác động mạnh tới kinh tế toàn cầu.

NGA, PHƯƠNG TÂY ĐỐI ĐẦU VỀ DẦU VÀ KHÍ ĐỐT

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh Nga đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ucraina. Dù dự đoán, lệnh cấm vận này sẽ khiến giá năng lượng tiếp tục tăng lên song  ông Biden cam kết sẽ làm mọi việc có thể để giảm thiểu tác động tiêu cực đến người dân.

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Cuộc khủng hoảng  này là một lời nhắc nhở, để bảo vệ nền kinh tế của chúng ta trong dài hạn, chúng ta cần độc lập về năng lượng. Tôi đã có nhiều cuộc trao đổi với các đồng nghiệp châu Âu trong nhiều tháng qua về cách họ nên giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Trong tương lai chúng ta có thể đạt được nhiều độc lập hơn.”

Như một hiệu ứng domino, sau quyết định của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu cũng tuyên bố giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga. Chính phủ Anh ngày 8/3 thông báo nước này sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay. Trong khi Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga trước năm 2030. 

Ông FRANS TIMMERMANS - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu: “Vào cuối năm nay, chúng tôi có thể thay thế 100 tỷ mét khối khí đốt nhập khẩu, tức 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ  Nga. Điều này sẽ chấm dứt tình trạng phụ thuộc quá mức và cho chúng tôi nhiều dư địa cần thiết để điều chỉnh. Mục tiêu 2/3 vào cuối năm nay. Đây sẽ là khó khăn, cực kỳ khó khăn nhưng có thể thực hiện được nếu chúng ta sẵn sàng đi xa hơn và nhanh hơn những gì chúng tôi đã làm trước đây.”

Nga hiện chưa bình luận về các động thái trên, nhưng trước đó, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cảnh báo, một lệnh cấm vận đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ là thảm họa với thị trường toàn cầu, giá dầu có thể vọt lên hơn 300 đô la/thùng. Ông cũng khẳng định, Nga vẫn có thể tìm kiếm các thị trường thay thế nếu phương Tây cấm vận năng lượng của Nga.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHIÊM TRỌNG

Theo đánh giá của giới chuyên gia, cuộc chiến khí đốt giữa các nước lớn trên thế giới sẽ làm gia tăng tác động đối với kinh tế toàn cầu sau khi thế giới đã phải trải qua việc thiếu hụt nguồn cung và giá cả leo thang do tác động của đại dịch Covid-19. 

Ông RANDOLPH BELL- Quản lý Trung tâm Năng lượng toàn cầu - Hội đồng Đại Tây Dương: “Chúng ta đang cảm nhận được giá nhiên liệu đang tăng cao. Câu hỏi đặt ra là liệu có thể thể thay thế dầu thôi của Nga bằng 1 loại dầu khác hay không ?”

Hiện chưa rõ các nước sẽ có động thái gì tiếp theo sau cuộc chiến khí đốt này song một điều có thể thấy rõ là giá nhiên liệu thế giới mà cụ thể là ở Mỹ và châu Âu đã đặc biệt tăng cao ngay sau các quyết định của các bên.

Ngay sau quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden, giá xăng dầu tại Mỹ đã lên cao kỷ lục vượt ngưỡng 4 đô la/1 gallon (3,78 lít). Đây là mức tăng được đánh giá có thể đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế, đẩy lạm phát lên cao và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân Mỹ. Trước đó, giá xăng dầu đã tăng cao trong vài tháng trở lại đây bởi nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Mỹ nói riêng đang bắt đầu quá trình phục hồi sau khi đại dịch thoái lui.

Ông BOB YAWGER - Giám điều hành Công ty Mizuho Mỹ: “Chúng ta có thể sẽ thấy giá xăng dầu còn tăng cao hơn. Hôm nay giá đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Đây không phải điều tốt cho tất cả các bên, nó sẽ gây áp lực lên tất cả những vấn đề trong cuộc sống.”

Trong khi đó, việc phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga kéo dài trong nhiều thập kỉ đã khiến châu Âu rơi vào tình thế bị động một khi nguồn cung ứng bị gián đoạn trong những ngày qua. Việc châu Âu tuyên bố giảm sự phụ thuộc năng lượng từ Nga sẽ trở thành một bài toán khó đối với các nước này. Bởi lẽ, tách thị trường khí đốt châu Âu khỏi Nga sẽ là một thay đổi lớn đối với một khu vực vốn đã quá phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Siberia, đến mức gần như không có cơ sở hạ tầng cần thiết cho nguồn cung thay thế./.