Ngân hàng Nhà nước ổn định tỷ giá để tránh nhập khẩu lạm phát

Trước xu hướng tỷ giá USD tăng mạnh và nhu cầu mua USD của các ngân hàng thương mại cũng đang tăng, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục tăng lãi suất huy động tiền gửi và cung một lượng lớn USD nhằm ổn định tỷ giá, giảm nguy cơ nhập khẩu lạm phát; đồng thời đảm bảo đủ cung tiền cho nhu cầu phục hồi kinh tế.

Thống kê từ Công ty Chứng khoán Bản Việt, 8 tháng đầu năm 2022, NHNN đã bán hơn 20 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại thông qua hợp đồng kỳ hạn và giao ngay. Trong tháng 8, các NHTM cũng đã mua trên 2 tỷ USD từ NHNN. Và sau quyết định tăng lãi suất 0.75% của Cục dự trữ liên bang Mỹ-FED, đồng USD mạnh hơn, vẫn gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Như vậy, nguy cơ nhập khẩu lạm phát vẫn ở mức đáng báo động nếu không được điều chỉnh kịp thời.

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Tp Hồ Chí Minh:Một số đồng tiền mạnh của một số quốc gia mất giá rất mạnh so với đồng USD. Trong mối liên hệ lãi suất, tỉ giá,  lạm phát, yêu cầu là ổn định lạm phát, kinh tế vĩ mô thì ngân hàng Trung ương điều chỉnh lãi suất hợp lý đảm bảo cân bằng mối quan hệ này, đạt mục tiêu chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế”.

Theo các chuyên gia, tác động tỷ giá đã được Quốc hội và Chính phủ dự đoán từ trước, nên mặt bằng lãi suất sẽ được giữ ổn định để đảm bảo nhu cầu cho đà phục hồi kinh tế.

Ông PHẠM CHÍ QUANG, Phó Vụ Trưởng phụ trách, Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước:Tỉ giá Đồng Việt Nam chúng ta rất ổn định, cho đến nay vẫn mất giá nhẹ so với các đồng tiền khác để thấy NHNN đã thực hiện đúng tôn chủ là bám sát, kiên định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát”

Để tránh nhập khẩu lạm phát, Quốc hội và Chính phủ cần phải có những điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, công cụ về chính sách tiền tệ cũng cần được xem xét ở biên độ phù hợp; khơi thông dòng vốn FDI, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cân đối nguồn dự trữ ngoại tệ.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN HIẾN, Chuyên gia kinh tế, Đại học Tài chính – Marketing: “Chính phủ và Quốc hội đã có nhiều chính sách, hỗ trợ chưa tứng có tiền lệ trong lịch sử để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống, việc làm và từ đó hồi phục kinh tế".

Tuy nhiên, cũng không nên kỳ vọng dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam, kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp khi lãi suất điều chỉnh được xem là “thô bạo” của FED vừa qua.

Tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC KIÊN, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng: “Nền kinh tế có chấp nhận hay không, các doanh nghiệp có chấp nhận lãi suất tăng cao hay không, trong bối cảnh lạm phát Việt Nam thì giữ nhưng nước ngoài lại tăng cao, đặc biệt là Mỹ, EU - 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN”

Tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD tiếp tục tăng giá khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố hỗ trợ tỷ giá, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, tăng thặng dư thương mại cải thiện, dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022, và thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn.

Nguyễn Sơn