Nghị quyết 29 của Đảng nêu 2 nhiệm vụ quan trọng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Tiếp tục Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, sáng 6/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã truyền đạt chuyên đề 3 với chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về Công nghiệp hoá, hiện đại hoá , thể hiện tầm quan trọng Công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững. 

Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về Công nghiệp hoá, hiện đại hoá , thể hiện tầm quan trọng Công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Nghị quyết 29 là cơ sở, căn cứ chính trị hết sức quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Khái quát 9 kết quả đạt được rất quan trọng trong 10 năm vừa qua trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, Nghị quyết cũng chỉ ra những hạn chế; đó là: mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành; Nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện; Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết. Từ những hạn chế trên Nghị quyết đưa ra 5 nhóm quan điểm chỉ đạo trong thời gian tới, đáng chú ý là làm rõ nội hàm, nhận thức về CNH, HĐH là “quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

Nhấn mạnh phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ: đây là một trong những nhiệm vụ then chốt, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh góp phần thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời nhiệm vụ cần làm ngay là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Bích Liên