Ngoại giao kinh tế đồng hành cùng sự phát triển đất nước

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, phát huy truyền thống của ngành ngoại giao, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã được ngành ngoại giao triển khai quyết liệt, toàn diện, chuyển biến sâu sắc về chất và lượng, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng tự hào, tiếp tục đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đây là nội dung được đưa ra trong phiên toàn thể về “Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước”, nằm trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, diễn ra trong sáng nay. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. 

Thời gian qua, quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng đã đề ra về "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm", công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.

Thành tựu ngoại giao kinh tế được coi là kết tinh của trí tuệ, nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương, và doanh nghiệp, cũng như của cả hệ thống chính trị và nền kinh tế.

Đóng góp vào các thành tựu chung của ngành ngoại giao, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút nhiều nguồn lực mới. Đến nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 của châu Á, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, và là 1 trong 3 nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN.

Thời gian tới, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, công tác ngoại giao kinh tế tập trung đẩy mạnh theo ba định hướng lớn. Một là, tiếp tục phát huy cao nhất thế và lực của đất nước. Hai là, ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu, đầu tư, … cũng như các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn,... Ba là, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương xây dựng nền ngoại giao kinh tế, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm. Từ đó, tiếp tục đưa công tác ngoại giao kinh tế thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Ngọc Anh -

Hồng Dũng