Người Stiêng và cây tràm

Theo các già làng người Stiêng, họ có nguồn gốc từ vùng núi rừng Bình Phước, nhưng cách đây khoảng 30 năm đã men theo dòng sông Đồng Nai xuống khu vực Tân Hiệp, Long Thành để định cư. Vượt qua vô vàn khó khăn, nhờ làm bạn với cây tràm, cuộc sống họ đã thay đổi theo hướng tốt đẹp. Những bàn tay chai sần vì trước đây chỉ biết cầm cuốc, lên rẫy, giờ có thể cầm tay lái và điều khiển chiếc xe gắn máy.

Anh Điểu Út là người đồng bào dân tộc Stiêng, lớn lên ở mảnh đất Tân Hiệp. Học đến lớp 5, anh cũng như nhiều anh em người Stiêng chọn nương mình theo những ruộng lúa, rẫy bắp để kiếm cái ăn mỗi ngày.

Xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có khoảng 8 dân tộc anh em, trong đó, người Stiêng chiếm đa số. Từ khi chuyển đổi giống cây trồng từ lúa sang tràm, nhiều người như anh Út có thu nhập từ 8-10 triệu/tháng. Có tiền, anh đầu tư cho cả 2 con đi học ở một trường cao đẳng trên địa bàn.

Với 60ha diện tích trồng tràm trên địa bàn, xã Tân Hiệp cũng tạo điều kiện cho người dân xây dựng 2 nhà máy băm giấy, 5 xưởng sản xuất pallet, tạo thêm công việc, nâng nguồn thu nhập cho người dân.

Ngoài làm giấy, pallet, tràm lâu năm còn có thể làm gỗ, nhà hoặc các vật dụng nội thất. Cây tràm đang là định hướng của xã Tân Hiệp vì dễ trồng, dễ canh tác, đầu ra dễ dàng. Kỳ vọng một ngày không xa, những rừng tràm ở Tân Hiệp sẽ giúp cho mọi người Stiêng đều có xe máy, ôtô trong nhà.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Khánh Hà