• 1146 lượt xem
  • 16:56 01/05/2023
  • Văn hóa

Nguy cơ mai một nghề đan lát của người Ê Đê tại Đắk Lắk

Bao đời nay, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người Ê Đê tại Tây Nguyên luôn gắn bó mật thiết với nghề đan lát. Tuy nhiên, nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ mai một. Ghi nhận tại tỉnh Đắk Lắk.

Khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm được nhà ông Y Sơn. Ở tuổi 74, ông là một trong số ít người Ê Đê ở Đắk Lắk còn giữ nghề đan lát. Để làm ra một sản phẩm mất ít nhất 4-5 ngày. Cái nào kỳ công thì còn lâu hơn nhưng lãi thì ít. Như chiếc gùi, bán chỉ được 200.000-300.000 đồng.

Sản phẩm đan lát như: gùi, giỏ… là vật dụng gắn chặt với cuộc sống hằng ngày của đồng bào Tây Nguyên. Nhưng giờ người dân ít sử dụng nên cũng không mấy ai làm. Như ông Y Tai, cũng chỉ thường xuyên làm lồng nuôi gà, vì thi thoảng có người mua.

Sống dựa vào rừng, bà con thường dùng nguyên liệu tự nhiên như: mây, tre, lồ ô… để lan lát. Nhưng những vật liệu này ngày càng khan hiếm. Bán đã khó, cộng thêm sự phát triển của sản phẩm hiện đại, khiến cho nghề đan lát truyền thống dần bị mai một.

Cứ 2 năm một lần, thành phố Buôn Ma Thuột lại tổ chức Ngày hội Văn hoá – Thể thao các dân tộc thiểu số, nhằm quảng bá, bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc với nhiều nội dung thi như: cồng chiêng, văn nghệ dân gian, giã gạo, đan lát, dệt thổ cẩm... Tuy nhiên, số nghệ nhân tham gia môn thi đan lát ngày càng ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Kim Liên