Nhận diện cúm A với Covid-19

Trên địa bàn TP Hà Nội, những ngày vừa qua ghi nhận số bệnh nhân cúm A tăng cao bất thường và đáng chú ý những bệnh này có một số đặc điểm, triệu chứng khá giống nhau khi khởi phát ban đầu. Nếu người bệnh không để ý rất dễ nhầm tưởng và sử dụng thuốc điều trị không đúng.

Vào điều trị bệnh Cúm A tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cách đây ít hôm, chị Nguyễn Thị Xuyến, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết khi khởi phát bệnh, biểu hiện đầu tiên là viêm họng, sốt cao, ho nhiều, đau đầu. Triệu chứng này giống như người nhà chị từng mắc Covid trước đó. Chị uống thuốc nhiều ngày nhưng không đỡ, khi vào viện, chị được làm xét nghiệm mới biết là mình bị mắc Cúm A. 

Bệnh nhân NGUYỄN THỊ XUYẾN, Huyện Đông Anh, TP. Hà Nội: " Lúc đây tôi đang mang bầu 27 tuần cho nên để yên tâm thì tôi vào viện xét nghiệm thì bác sĩ bảo dương tính với cúm A. Các bác sĩ cho thuốc và truyền thì thấy cắt sốt rồi nhưng mà bây giờ vẫn thấy mệt.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong hai tuần gần đây ghi nhận hơn 100 ca mắc cúm A. Đáng lưu ý có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, suy hô hấp, tổn thương phổi phải điều trị dài ngày, thậm chí bị bội nhiễm phải lọc máu, thở máy. Có những trường hợp điều trị phức tạp hơn so với điều trị thể bệnh mắc Covid-19.

Bác sĩ VŨ MINH ĐIỀN, Phó Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: “Vì Cúm là bệnh do virus thường diễn biến vào mùa đông xuân hàng năm. Tuy nhiên năm nay thì ở thời điểm mùa hè thì thấy rằng số ca cúm đang tăng lên. Hiện nay do biến đổi khí hậu có thể một số mặt bệnh không theo quy luật. Vì thế người dân chúng ta không nên chủ quan, nếu có các biểu hiện sốt cao, đau nhức người, viêm họng đường hô hấp trên cần đến y tế cơ sở gần nhất để được hướng dẫn điều trị sớm.”

Theo các chuyên gia y tế, Cúm A và Covid-19 đều là bệnh lây qua đường hô hấp, nhưng do các loại virus khác nhau gây ra. COVID-19 dễ lây lan hơn bệnh cúm. Cả hai bệnh này đều có các đặc điểm lâm sàng rất giống nhau, có thể gây sốt, ho, đau nhức người. Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác, người bệnh cần phải làm xét nghiệm phân biệt tìm ra tác nhân gây bệnh.

Bác sĩ ĐÀO HỮU THÂN, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội: “Giữa cúm và Covid-19 thực tế chúng tôi thấy rằng thông thường bệnh cúm rầm rộ hơn có thể bệnh đến nhanh hơn do cái thời gian ủ bệnh nó ngắn hơn covid. Nó sốt cao hơn, mệt mỏi nhiều hơn. Còn covid nhìn chung nó nhẹ nhàng và kéo dài hơn chút. Covid-19 thì cái khổ triệu chứng nó rộng hơn, nó có thể mất khứu giác rồi , rồi các triệu chứng về tiêu hóa, thứ 2 nữa khi bị bệnh thì  có thể hỏi về dịch tễ, người nhà mình mà bị covid hoặc là cúm A rồi thì mình có thể nghĩ nhiều bị lây.”

Để phòng các mặt bệnh này, bác sĩ khuyến cáo việc tiêm phòng vắc xin trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng đối với cả người lớn, trẻ em. Bên cạnh đó, do là bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên tránh tập trung nơi đông người, đặc biệt là tránh tiếp xúc với những người bị cúm, nghi nhiễm covid 19. Cần thực hiện đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm.
 

Tiến Dũng