Nhận diện đầy đủ đối tượng và hành vi của bạo lực gia đình

Dự án Luật Phòng chống Bạo lực gia đình (sửa đổi) kế thừa luật hiện hành khi tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình để bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên, các thành viên UBTVQH đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình để phản ánh được thực tiễn cuộc sống.

Trong bối cảnh bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, việc quy định các hành vi bạo lực gia đình cần có mối liên hệ với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Từ thực tiễn cuộc sống, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy còn nhiều hành vi bạo lực gia đình chưa được nhận diện và chưa được quy định trong dự thảo luật.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Dự án luật chưa quy định được hết các đối tượng bạo lực gia đình đã và đang xảy ra trên thực tế. Ví dụ như những hành vi bạo lực gia đình giữa những người sống chung với nhau, đã từng có quan hệ nuôi dưỡng như từng là con nuôi, từng là cha mẹ nuôi nay không còn quan hệ nuôi dưỡng nữa, cha mẹ khước từ con cái, con cái khước từ cha mẹ nhưng vẫn sống chung."

Từ góc độ giáo dục gia đình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu lên thực tế hiện nay nhiều gia đình bố mẹ dạy con thái quá, kỳ vọng quá lớn gây áp lực đối với con, nhưng cũng có gia đình lại bỏ bê việc dạy con. Cơ quan soạn thảo cũng cần cân nhắc có nên đưa vào nhận diện đây là hành vi bạo lực gia đình.

Ông NGUYỄN KIM SƠN - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Bỏ không dạy hoặc dạy nhưng thái quá thì hai thái cực đó cũng cần được xem như bạo lực đối với học sinh. Hay là cưỡng ép trong việc lựa chọn nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp trái với mong muốn nguyện vọng của trẻ em."

Một số ý kiếnđề nghị dự thảo luật sửa đổi cần bổ sung, hiệu chỉnh các khái niệm, giải thích rõ ràng một số thuật ngữ để đảm bảo tính thống nhất, khả thi, hiệu quả trong quá trình thực hiện.

Ông LÊ TẤN TỚI - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội: “Đề nghị sửa bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại đến thể chất tinh thần và tài sản.  cụm tình “tình dục” liên quan nhân phẩm danh dự, tính mạng sức khỏe, nếu nói kinh tế… cần giải thích cụ thể hơn”

Bà NGUYỄN THỊ THANH - Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Giải thích từ ngữ Điều 3, 4 có quan hệ gần với nhau: Khái niệm “bạo lực gia đình” Điều 3, khái niệm “hành vi bạo lực gia đình” tại Điều 4, nên rà soát lại. Luật Trẻ em cũng có khái niệm về bạo lực với trẻ em vẫn để từ “hành hạ”, nhưng Luật Phòng chống bạo lực gia đình lại bỏ từ hành hạ, cần làm rõ sự liên thông khái niệm với các luật hiện hành liên quan.”

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: “Chúng tôi sẽ tập trung làm rõ khái niệm giải thích từ ngữ, nhất là làm rõ hơn, khu trú rõ hơn về hành vi bạo lực gia đình để dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ áp dụng, tránh hiểu nhầm và tương thích với các luật khác. Có những nội dung cần nghiên cứu mở rộng hơn, không chỉ xem xét bạo lực ở mặt thể chất, trực tiếp các hành vi xúc phạm còn cả yếu tố tinh thần. Đây vẫn là vấn đề khó, khó định lượng nhưng sẽ cố gắng tiếp thu.”

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá những nội dung còn hạn chế thuộc về quy định của luật hay do tổ chức thực hiện để có định hướng sửa đổi cho đúng, đầy đủ. Trong đó, về phạm vi sửa đổi của Dự án luật phải bao quát được việc phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình mới, khắc phục được hạn chế vướng mắc của những quy định pháp luật, đảm bảo việc sửa đổi luật lần này góp phần tốt hơn việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dân tộc; thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Việc sửa đổi luật phải đảm bảo tính khả thi của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng chống bạo lực gia đình, tăng cường sự đóng góp và tham gia của toàn xã hội, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân trong công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Như Thảo