Nhiều địa phương chịu áp lực vì giải ngân vốn đầu tư công chậm

Trong phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Hội đồng Dân tộc diễn ra sáng 18/5, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều đại biểu kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm đảm bảo các hoạt động đầu tư đạt hiểu quả, mục tiêu, đúng đối tượng, nội dung. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo phiên họp.

Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục thực hiện đồng bộ, nghiêm túc Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Các chính sách dân tộc được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, hầu hết các chính sách dân tộc được tích hợp vào chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 hiện đang chờ cơ quan có thẩm quyền phân bổ vốn năm 2022 để triển khai thực hiện. Điều này đang gây khó khăn, áp lực vốn cho nhiều địa phương.

Ông HOÀNG ĐỨC CHÍNH - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình: “Hiện nay, đã hơn 1 năm rưỡi triển khai chương trình nhưng phần khai vốn Chính phủ mới vừa trình sang. Khi Thường vụ Quốc hội quyết thì Chính phủ mới giao vốn…, chắc phải 1 - 2 tháng nữa mới triển khai, như vậy sẽ gây áp lực vốn cho địa phương”.

Về báo cáo của Uỷ ban Dân tộc, các đại biểu đề nghị cần làm rõ về nội dung cũng như cung cấp thêm số liệu để đánh giá sâu hơn về các tác động, chính sách.

Bà HOÀNG THỊ THANH THUÝ - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: “Một số nội dung chưa đầy đủ, rõ nét, chỉ nêu vấn đề, nêu tác động tiêu cực của dịch bệnh, thiên tai.. chưa có số liệu làm rõ. Số liệu tác động như thế nào? Việc hỗ trợ giúp đỡ chính quyền địa phương như thế nào? Nếu không có rõ số liệu sẽ không có giải pháp”.

Ông HẦU A LỀNH - Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc: “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua và Chính phủ sẽ phê duyệt. Bước tiếp theo là của địa phương, về cơ cấu và phân cấp sẽ thực hiện theo nghị định của Chính phủ, tất cả sẽ về địa phương, từ nguồn vốn đến ngân sách sẽ do HĐND địa phương quyết hết. Cơ quan TƯ chỉ kiểm tra, đôn đốc, giam sát và báo cáo với Quốc hội”.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'Đăm nhấn mạnh việc thực hiện chương trình cần phải triển khai chủ động, tránh sự lúng túng và đảm bảo công bằng trong tiếp cận chính sách.

Ông Y THANH HÀ NIÊ K'ĐĂM - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Địa phương sốt ruột, bà con sốt ruột, Trung ương sốt ruột bởi tính chất của chương trình rất khác biệt, rất ý nghĩa. Việc chậm trễ này có phần trách nhiệm của chính phủ và cũng cần đồng chí Bộ trưởng nhắn lại với Chính phủ việc thực hiện, trước hết là danh mục đầu tư. Đề nghị Chính phủ thực hiện theo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng cho rằng, cần đánh giá rõ thêm tác động ảnh hưởng trong dịch bệnh tới đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách không triển khai được trong thời gian dịch bệnh để có giải pháp phù hợp khôi phục lại phát triển sản xuất, duy trì ổn định trong kinh tế vĩ mô.

Dương Dung