Nhiều ý kiến khác nhau về xác định đối tượng người tiêu dùng

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 20, sáng 15/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Về khái niệm người tiêu dùng, theo Báo cáo của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có 2 loại ý kiến khác nhau là: người tiêu dùng bao gồm cá nhân và tổ chức như luật hiện hành, và ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”. Đây cũng là phương án chính phủ trình. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất 2 phương án tiếp thu như sau:

Phương án 1: giữ như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung “không vì mục đích thương mại”.

Phương án 2: giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội.

Cho ý kiến về nội dung này, các thành viên UBTVQH đều cho rằng, người tiêu dùng là cá nhân nhưng trong nhiều trường hợp cũng có thể là cả tập thể và cá nhân. Do đó, việc quy định người tiêu dùng là cả cá nhân và tổ chức sẽ phù hợp hơn, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Luật hiện hành đang quy định khái niệm người tiêu dùng gồm cả cá nhân và các tổ chức. Do đó, khi thay đổi quy định này cần đánh giá kĩ hơn về đặc thù của Việt Nam, thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam.

Nhấn mạnh sự ngang bằng trách nhiệm trước pháp luật của các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các quy định của luật không được làm phương hại đến lợi ích của tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ, nhất là chi phí tuân thủ pháp luật.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Bích Hạnh