Nhìn lại Hà Nội sau "chiến dịch" đòi lại vỉa hè

Chính thức ra quân từ ngày 3/3, sau gần 2 tháng triển khai chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội, các tuyến phố tại Thủ đô đã có chuyển biến tích cực. Song nhiều nơi vẫn còn tiếp diễn tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng.

Dù chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, thế nhưng với cách làm cũ như chiến dịch từ 6 năm trước thì liệu chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè Hà Nội có thành công? 

Thực tế, nhìn vào các đợt ra quân xử phạt vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường từ năm 2017 cho đến thời gian gần đây, Hà Nội mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Cần giải pháp căn cơ hơn, đánh vào gốc rễ của vấn đề thì mới có thể cải thiện tình trạng này.

Có thể thấy, vì nhiều nguyên nhân, “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ dường như đã trở thành vấn đề chung, là bài toán nan giải đặt ra đối với các thành phố lớn. Làm thế nào để việc quản lý vỉa hè không bị coi là “cuộc chiến”? 

Cách đây nhiều năm, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 36 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị, các thành phố lớn đồng loạt triển khai lập lại trật tự đô thị. Gần đây hơn, 3 năm liên tiếp Hà Nội chọn chủ đề của năm là “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Thế nhưng, ý tưởng của nhà quản lý chưa trở thành hiện thực. Theo các chuyên gia, cần có 1 chương trình, dự án dài hơi cho vấn đề vỉa hè. 

Nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động quản lý vỉa hè và phát triển hệ thống giao thông công cộng, quản lý phương tiện xe cá nhân không thể tách rời nhau, có tác động qua lại lẫn nhau. Bởi vậy, để giải quyết bài toán trả lại vỉa hè cần bài toán tích hợp thống nhất tổng thể.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Việt Hà