Nhìn ra thế giới: Giảm thiểu tác động của lũ lụt - Câu chuyện từ thế giới

Nước biển dâng, các cơn bão ngày càng mạnh lên, khiến cho các trận lũ lụt có mức tàn phá cao hơn. Không chỉ gây đảo lộn cuộc sống của con người, lũ lụt còn gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, tàn phá mùa màng, và thậm chí cướp đi nhiều sinh mạng. Biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ, khiến cho con người phải học cách “sống chung với lũ”.

Không chỉ ngăn chặn nguy cơ lũ lụt, mà thích ứng với ngập lụt như thế nào cũng là một trong những yêu cầu đặt ra với các quốc gia trên thế giới hiện nay. 

Nhiệt độ gia tăng kéo theo sự tan chảy của các sông băng trên Trái Đất. Nước từ băng tan chảy có thể đẩy khoảng 15 triệu người ở những vùng núi cao rơi vào nguy cơ lũ lụt. Đây là kết luận được các nhà khoa học New Zealand và quốc tế đưa ra trong nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Nature đầu tháng 2 vừa qua.

Trên thực tế, lũ lụt nghiêm trọng đã không còn là nguy cơ hay cảnh báo. Theo thống kê của Công ty tái bảo hiểm Swiss Re Institute, riêng trong năm 2021 đã có hơn 50 trận lũ lụt nghiêm trọng xảy ra trên khắp thế giới. Lũ lụt ảnh hưởng đến gần 1/3 dân số thế giới, nhiều hơn bất kỳ thảm họa nào khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 82 tỷ USD vào năm 2021, chiếm gần 1/3 tổng thiệt hại do thảm họa thiên nhiên gây ra.

Khi lũ lụt tàn khốc quét qua bang California vào tháng 1 vừa qua, trái ngược với cảnh tượng hoang tàn tại nhiều nơi thì thị trấn Grayson lại không chịu thiệt hại đáng kể. Đây là nơi sinh sống của khoảng 1.300 người dân, với các vườn hạnh nhân và trang trại chăn nuôi bò sữa, là nơi hội tụ của hai con sông San Joaquin và Toulume.

Với những người dân sinh sống tại thị trấn này và các chuyên gia về khí hậu, khả năng chống chịu thần kỳ của Grayson với mưa lớn và lũ lụt một phần là nhờ vào 850 ha đất nông nghiệp ven sông, giờ đây đã được cải tạo thành một vùng đồng bằng ngập lũ tự nhiên. Đây thực chất là một khu vực rộng lớn ven sông, thường sẽ bị ngập nước mỗi khi nước sông dâng cao vì mưa lớn hay lũ lụt.

Tại Hà Lan, quốc gia đã sống chung với lũ lụt trong hàng thế kỷ qua, người dân nơi đây luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để bảo vệ chính mình. Và quan niệm của người dân Hà Lan là nếu như không thể ngăn nước tràn vào thành phố, thì có thể tạo ra những khu vực rộng lớn để trữ nước. Đây là quảng trường nước tại thành phố Rotterdam. Trong điều kiện bình thường, quảng trường này có thể được sử dụng như một sân bóng rổ. Còn trong những ngày mưa bão, khu vực này có thể trở thành nơi trữ nước mưa, giúp cho đường phố không bị ngập lụt. Ý tưởng này khá tương đồng với các vùng ngập lũ tại California, Mỹ.

Kim Ngọc