Nhức nhối nạn buôn người ở Ấn Độ

Khi các cơ hội kinh tế ngày càng cạn kiệt vì đại dịch, hàng triệu người trên khắp thế giới có nguy cơ trở thành nạn nhân của tình trạng buôn người. Tại Ấn độ, các tổ chức phi chính phủ đang đóng một vai quan trọng trong việc hỗ trợ các nạn nhân trở lại với cuộc sống bình thường..

Chị Zarin là một trong những nạn nhân của tình trạng buôn người. Năm 9 tuổi, chị đã bị đưa đến khu “đèn đỏ” Kamathipura của Mumbai. Phải mất tới 30 năm chị mới thoát ra được. 

Chị ZARIN, Nạn nhân của buôn người: "Chúng tôi không được giáo dục và không có lựa chọn nào khác để kiếm sống . Tại sao xã hội lại coi thường chúng tôi?” 

Giống như Zarin, hầu hết các nạn nhân của nạn buôn người đều là người nghèo và không được học hành. Hơn 35.000 nạn nhân được vận chuyển mỗi năm qua các cửa khẩu biên giới từ Nepal đến Ấn Độ. Họ bị sử dụng để buôn bán nội tạng, đưa vào làm giúp việc gia đình và bị ép bán dâm.

Kamathipura là nơi sinh sống của khoảng 5.000 người hành nghề mại dâm. Hơn 90% là nạn nhân của nạn buôn người từ bên trong Ấn Độ và từ các nước láng giềng Nepal và Bangladesh. Nhiều người cũng có con nhưng con họ khó có cơ hội phát triển do không được tiếp cận với giáo dục. 

Tổ chức phi chính phủ có tên là Kranti đang cố gắng phá vỡ vòng luẩn quẩn này. Tổ chức đã hỗ trợ khoảng 25 bé gái lớn lên trong các nhà thổ ở Kamathipura để các em có cuộc sống bình thường. 

Bà BANI DAS, Người đồng sáng lập Tổ chức phi chính phủ Kranti: "Mục tiêu của chúng tôi là làm cho chúng cảm thấy rằng đây là nhà của chúng, và cho các em quyền lựa chọn làm những gì mình muốn theo đuổi.” 

Tại Ấn Độ, hầu hết các trường hợp buôn người không được báo cáo và có chưa tới 10% các trường hợp được báo cáo thực sự bị kết án.

Đinh Phượng