Những "cánh đồng cháy" ở Tây Nguyên mùa cạn

Khu vực Tây Nguyên đang phải oằn mình gánh hạn khi bước vào cao điểm mùa khô. Mưa ít, nắng nhiều khiến nguồn nước ngày càng khan hiếm dẫn tới tình trạng cây trồng bị chết khô. Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân sinh cũng như sản xuất nông nghiệp.

“Cánh đồng cháy” là những than thở của người dân tại xã A Yun Hạ tỉnh Gia Lai khi nhìn về từng thước lúa đang chờ chết… khu vực này không có nguồn thủy lợi khiến nhiều hộ dân đang đối mặt nguy cơ mất trắng.

Thiếu nước sinh hoạt cũng đang ảnh hưởng tới đời sống của 300 hộ dân xã Đại Lào. Toàn dân đi mua nước, dù với giá 100 nghìn – 120 nghìn đồng mỗi khối cũng đành phải chấp nhận.

Cây trồng và con người tại khu vực tây nguyên đang phải “sống lay lắt” trong thời tiết khắc nghiệt. Nắng hạn vẫn gay gắt, còn mưa có hay không lại do lịch của ông trời.

"Tiết kiệm nước; nước chỉ nên dùng khi cần thiết" là phương châm mà các cấp chính quyền và người dân khu vực Tây Nguyên đang thực hiện để đối phó với tình trạng hạn hán trong lúc chờ mưa xuống. 

Dự báo mùa khô năm nay tại khu vực Tây nguyên sẽ rất khốc liệt do ảnh hưởng từ hiện tượng El nino. Hiện chính quyền các cấp và người dân đang gồng mình chống hạn. Tuy nhiên cũng chỉ có thể gắng gượng tới tháng 4. Nếu khô hạn kéo dài, hệ quả người nông dân chịu thiệt và địa phương cũng ảnh hưởng tới mục tiêu kinh tế - xã hội.

Mặc dù các tỉnh Tây Nguyên đang chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ để chống hạn, song đây chỉ là những giải pháp mang tính ngắn hạn. Tây Nguyên cần nguồn lực lớn hơn cho chiến lược dài hơi về chống hạn và loại bỏ tư tưởng phụ thuộc “ông trời”. 

Nắng hạn vùng Tây Nguyên cứ đến hẹn lại lên và điệp khúc thiếu nước tưới cho cây trồng cứ lặp đi lặp lại theo cùng năm tháng. Giải pháp địa phương chỉ mang tính ngắn hạn, xử lý trong cấp bách. Về lâu dài cần phải có đánh giá toàn diện từ trung ương để hỗ trợ cho khu vực luôn đầy nắng và gió.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam