Những nồi lẩu thừa ở Trung Quốc biến thành năng lượng cho máy bay

Lẩu Tứ Xuyên là một món ngon giàu chất béo, song cũng tạo ra khoảng 12.000 tấn dầu thải mỗi tháng chỉ riêng ở thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên của Trung Quốc. Năm 2016, công ty khởi nghiệp Jinshang đã bắt đầu xuất khẩu dầu mỡ mà các nhà hàng Trung Quốc bỏ đi sang Châu Âu và Singapore, nơi chúng được tái chế thành nhiên liệu đủ tinh khiết để cung cấp năng lượng cho máy bay.

Ông Zhong Guojun, Phó Chủ tịch Công ty Công nghệ Môi trường Jinshang cho biết, nhiệm vụ của dự án là “làm cho dầu mỡ thừa có thể bay lên trời”.

Sau khi thu gom dầu đã qua sử dụng và loại bỏ các tạp chất như natri và các hạt kim loại, công ty Jinshang có được sản phẩm cuối cùng là tiền chất nhiên liệu sinh học, sau đó xuất khẩu tới các nhà sản xuất nhiên liệu hàng không để tiếp tục tinh chế thành dầu diesel sinh học hoặc nhiên liệu máy bay.

Chịu trách nhiệm cho khoảng 2% tổng lượng khí thải làm nóng hành tinh trên toàn thế giới, ngành hàng không đang chịu áp lực phải tìm ra những cách xanh hơn để vận hành.

Hiện dầu thải từ nhà bếp đang được coi như một nguồn nhiên liệu máy bay bền vững chính, vì nó không đòi hỏi thay thế chuỗi sản xuất lương thực hay khuyến khích phá rừng. Trung Quốc, với dân số đông nhất thế giới cùng sở thích ăn những món lẩu dầu mỡ, đã trở thành nhà xuất khẩu dầu thừa lớn nhất thế giới.

Mai Phương