Nỗ lực đưa trẻ trở lại trường học, bù đắp những tác động của Covid-19 đối với trẻ em

Đại dịch Covid-19 hơn 2 năm khiến hàng triệu trẻ em gián đoạn việc học, thời gian học tập ngắt quãng vì đại dịch thì mở cửa lại trường học đang rất được quan tâm. Theo UNICEF, những tác hại khi học sinh không được đi học là điều “có thể không bao giờ bù đắp được”. Mở cửa trường học an toàn là ưu tiên hàng đầu khi tìm cách “sống chung an toàn với Covid-19”.

Theo ghi nhận của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc học của hơn 1,7 tỷ học sinh, sinh viên trên toàn thế giới tại 192 quốc gia. COVID-19 đã làm thay đổi sâu sắc nền giáo dục thế giới, thúc đẩy các nhà quản lý gấp rút lên phương án cho tương lai, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào giảng dạy. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận giáo dục qua công nghệ thông tin ở các nước nghèo và đang phát triển vẫn còn hạn chế, khiến học sinh ở những nước này phải đối mặt với những thách thức không cân xứng và nguy cơ tụt hậu cao hơn. 

Ông MUNIR SAFIELDIN - Đại diện UNICEF tại Uganda:Tôi có thể nói rằng, UNICEF không khuyến khích việc đóng cửa trường học kéo dài. Chúng tôi tin rằng luôn có rủi ro khi mở cửa trường học trong bối cảnh dịch bệnh, tuy nhiên chúng ta có thể có các biện pháp khác để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh mà không ảnh hưởng tới hệ thống giáo dục.”

Mỗi khi các đợt dịch Covid-19 bùng phát, trường học luôn là một trong những nơi bị đóng cửa đầu tiên. Thực tế này khiến trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển kiến thức, thể chất và tinh thần. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc khuyến cáo việc đóng cửa các trường học đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn cho trẻ em. Ngoài sự chậm trễ trong việc học hành, nhiều trẻ em không được cung cấp các bữa ăn và tiêm chủng thông thường trong môi trường học đường, phải chịu sự cô lập xã hội và mức độ lo lắng tăng cao, thậm chí phải tiếp xúc với lạm dụng và bạo lực. Đối với một số em, việc đóng cửa trường học đã dẫn đến học sinh bỏ học, đi làm và kết hôn sớm. 

Học sinh Uganda: “Em rất sợ. Nếu không được đi học trở lại em có thể sẽ bị ép kết hôn sớm, bởi cuộc sống sẽ rất khó khăn, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc lấy chồng.”

Giáo sư JULIE SWANN - Trường Đại học Bắc Carolina: “Khi các trường học phải đóng cửa, có rất nhiều tác động tiêu cực đến trẻ em, ví dụ như việc học được ít hơn, phải đối mặt với những thách thức về sức khỏe tâm thần, thậm chí có nhiều em phải cần tới các dịch vụ hỗ trợ tâm lý. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên ưu tiên cố gắng giữ cho trường học mở cửa nếu có thể. Chúng ta cần có đủ các biện pháp để bảo vệ tất cả mọi người trong môi trường học đường.”

UNICEF lưu ý rằng kinh nghiệm cho thấy trường học không phải là yếu tố chính trong việc lây truyền COVID-19. Triển vọng mở cửa trường học đã bắt đầu sáng hơn khi chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở nhiều nước đạt tiến triển tích cực.  

Trong những ngày đầu năm mới 2022, nhiều nước đã bắt đầu đón học sinh tựu trường sau thời gian dài đóng cửa vì đại dịch. Nhiều quốc gia cũng đang chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất, an toàn nhất để có thể sớm đưa học sinh trở lại trường. Mở cửa trường học an toàn đang là ưu tiên hàng đầu ở nhiều nước khi tìm cách “sống chung an toàn với COVID-19”. Việc tham khảo các nước có thể giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong vấn đề này trong thời gian sắp tới.

Để bảo đảm an toàn cho học sinh khi mở cửa lại trường học, việc giáo viên, cán bộ, nhân viên ở các trường học được tiêm vaccine ngừa COVID-19 là một trong những yếu tố tiên quyết. Điều này được ví như “chìa khóa” quan trọng để việc mở cửa trở lại trường học được bền vững, không bị gián đoạn. Ngoài việc ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho giáo viên, cán bộ và nhân viên ở trường học, tiêm chủng cho trẻ em cũng đang được nhiều nước đẩy mạnh như một trong những biện pháp chủ chốt giúp tạo ra môi trường học đường an toàn trong đại dịch. 

Giáo sư JULIE SWANN - Trường Đại học Bắc Carolina:Điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là việc thực hiện tiêm vaccine, sau đó là test nhanh và luôn đeo khẩu trang trong lớp học. Bên cạnh đó là có các phương án ứng phó, xử lý kịp thời khi có học sinh mắc bệnh.”

Bên cạnh việc tiêm chủng, thực tế từ các quốc gia trên thế giới cũng đã áp dụng nhiều biện pháp khác để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong trường học nhằm tạo ra những “phòng tuyến” bảo vệ trẻ em ở trường. Có thể kể đến tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện trường học, trong đó cần thông gió tốt hơn, chia nhỏ lớp học, thực hiện giãn cách xã hội, cũng như xét nghiệm COVID-19 thường xuyên cho trẻ em và giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường. Các trường học cũng quan tâm nhiều hơn đến công tác vệ sinh và tiến hành khử khuẩn trang thiết bị, học cụ nhiều lần mỗi ngày.

Theo kinh nghiệm của những nước đã ngăn chặn hiệu quả việc lây nhiễm trong trường học, có thể áp dụng các chiến lược kiểm soát đơn giản và chi phí thấp. Đó là thực hiện quy định đeo khẩu trang, đảm bảo môi trường thông thoáng, duy trì khoảng cách. Việc đợi đến khi tất cả nhân viên giáo dục đều được tiêm vaccine mới mở cửa trường học sẽ mang lại rất ít lợi ích về mặt giảm nguy cơ lây nhiễm, tuy nhiên có thể làm gia tăng những tổn thất đối với trẻ em.

Tiến sỹ ROCHELLE WALENSKY - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ: “Chúng tôi luôn yêu cầu đeo khẩu trang trong trường học, điều này không thay đổi. Thời điểm hiện tại, khoảng 96% trẻ em Mỹ đang được đi học và việc đeo khẩu trang đã cho phép chúng được đến trường một cách an toàn.

Mặc dù virus vẫn tiếp tục lây lan, song trên cơ sở đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng, những quy định giãn cách và quy trình vệ sinh dịch tễ, sau các kỳ nghỉ Đông hay nghỉ lễ năm mới, nhiều chính phủ đều xác định duy trì kế hoạch mở cửa trở lại trường học để trẻ em tiếp tục được học trực tiếp sau thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh, nhằm bảo đảm lợi ích của trẻ em. Một số nước đã mở cửa trường học và phát hiện bất cập thì điều chỉnh quy định để tránh gián đoạn hoặc cản trở các quy trình dạy và học trực tiếp.

Là một phần trong nhiều hành động nhằm dần mở cửa trở lại đất nước, việc mở cửa lại trường học đóng vai trò quan trọng. Các chuyên gia về giáo dục nhận định mặc dù tồn tại nguy cơ lây nhiễm cao, song việc quay trở lại lớp học là cần thiết để bù đắp kiến thức cũng như tạo sự hòa nhập xã hội trở lại đối với học sinh. Bởi vậy, Liên Hợp Quốc khuyến khích các nước sớm đưa học sinh trở lại trường học khi điều kiện cho phép. Chắc chắn rằng việc đi học trở lại sẽ không thể giống như những gì đã quen thuộc từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nhưng hy vọng rằng cả giáo viên, học sinh và phụ huynh sẽ đều sẵn sàng tâm lý thích ứng, thái độ cẩn trọng và quyết tâm học tập để cùng nhau trở lại trường. 

Thu Ngoan