Nỗ lực phòng chống bệnh lao cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số

Là một trong những tỉnh của khu vực Tây Nguyên còn nhiều ca mắc lao trong cộng đồng, tỉnh Đắk Lắk đang phấn đấu sẽ chấm dứt dịch bệnh lao vào năm 2028, bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong tầm soát, phát hiện và quản lý ca bệnh, đặc biệt là trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số - những nơi có tỷ lệ mắc lao cao do người dân chưa hiểu biết về căn bệnh này và thường chủ quan, nhầm lẫn với các bệnh thông thường.

Không ít người dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk phát hiện mắc bệnh lao muộn vì chủ quan.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng thôn, buôn, những người phụ trách y tế cơ sở thường xuyên đi từng nhà có người mắc lao để quản lý, theo dõi lịch uống thuốc điều trị đúng phác đồ, cũng như tuyên truyền, vận động người dân khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng. Hiện mạng lưới chống lao trong toàn tỉnh Đắk Lắk được phủ kín 184 xã, phường, thị trấn.

Thống kê của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cứ 100.000 người dân, thì có khoảng 176 người mắc lao. Như vậy, với dân số tỉnh là gần 2 triệu người, thì 1 năm có ít nhất 3.500 người mắc lao mới. Trong khi đó, mỗi năm, Chương trình phòng, chống lao của địa phương chỉ phát hiện khoảng hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, kém hiểu biết về lao, nên họ thường không đi khám khi có các dấu hiệu mắc bệnh. Do vậy, vai trò y tế cơ sở là chìa khóa để phát hiện cũng như hỗ trợ giúp bệnh nhân lao điều trị dứt điểm căn bệnh này.

Mời quý vị dõi nội dung chi tiết!

Djuang Niê -

Việt Bảo