Nỗi đau người mẹ có con nhiễm chất độc da cam: "Sức khoẻ chị có yếu thì cũng muốn ba đứa hắn đi trước chị"

Đây là chia sẻ đầy xót xa của chị Hoàng Thị Bích Yến, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị - người có 3 con đều bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Chị HOÀNG THỊ BÍCH YẾN - Xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị: “Sức khỏe chị có yếu đi thì cũng muốn ba đứa hắn đi trước chị. Kẻo sau ni không có ai nuôi.... Đứa thì 28 tuổi, đứa 25, đứa 15 tuổi. Đứa mô cũng bị hết. Chị xót!”

Ước muốn ngược đời của chị Yến dù biết khi nói ra thì ruột gan sẽ quặn thắt, nhưng đây không chỉ là điều ước của riêng bà mẹ này mà là chung của nhiều người mẹ có con nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin.

Chị HOÀNG THỊ BÍCH YẾN - Xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị: “Buồn thì buồn nhưng cũng đỡ vì ngày mô cũng được chăm cháu. Nhiều khi nhìn ra thấy con họ thì tủi thân. Con họ đi lại bình thường, còn con minh thì ngồi một chỗ... Buồn!”

Ở xã Cam Hiếu huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị câu chuyện về nỗi đau da cam mấy mươi năm qua vẫn đeo đẳng bám riết rất nhiều phận người. Thậm chí có nhiều gia đình chất độc đi-ô-xin để lại di chứng cho nhiều thế hệ.

Ông NGUYỄN VĂN TRUNG - Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT- NNCĐ da cam xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị: “Đời sống của các gia đình có nạn nhân chất độc da cam đặc biệt là tinh thần vô cùng khó khăn. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ hỗ trợ người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là nạn nhân da cam, đồng thời được sự ủng hộ của các mạnh thường quân cầu nối giúp đỡ họ nhưng sự bù đắp đó chưa đáp ứng được.”

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 8 ngàn hộ với trên 9 ngàn nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/đi-o-xin. Phần lớn gia đình các nạn nhân đều gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Dù luôn nhận được sự quan tâm của các cấp và cộng đồng, nhưng vẫn rất cần thêm sự chung tay, chia sẻ dành cho những hoàn cảnh đặc biệt như thế.
 

Võ Linh