Nơi này năm xưa: Hồ Gươm – giao lộ Đông Tây

Trước năm 1883 thì Hồ Gươm vẫn mang dáng dấp của một ao hồ nông thôn, người dân vẫn thường đến đây để giặt giũ hay là đánh cá và sinh hoạt cuộc sống nông thôn. Sau đó người Pháp đã quy hoạch để Hồ Gươm trở thành một viên ngọc xanh giữa lòng thủ đô Hà Nội. Đây là những hình ảnh, bức ảnh, những tư liệu rất quý về sự thay đổi của diện mạo Hồ Gươm trong hơn 100 năm qua.

Hồ Gươm vốn là dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa (nay là sông Hồng). Hồ Gươm đã được người Pháp lựa chọn để trở thành trung tâm trong cuộc chỉnh trang Thành phố Hà Nội. Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, Hồ Gươm như một Giao lộ - điểm nối hai nét kiến trúc Đông - Tây, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố Ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, một người sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội, đã tìm ra những tư liệu quý về Hồ Gươm như những viên gạch nối liền giữa hiện tại và quá khứ.

Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có thêm nhiều điều mới, từ thói quen ăn mặc, cách trang trí nhà cửa đến nhu cầu giải trí. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho hồ Gươm và khu vực Phố cổ.

Hồ Gươm – trái tim của Hà Nội những ngày này đang vào thu với vẻ đẹp nao lòng. Có lẽ Hồ Gươm mang đầy đủ dáng dấp và tâm hồn của Hà Nội, trầm mặc, cổ kính và hoà bình. Những tư liệu quý lần này giúp người xem hiểu sâu hơn và trân trọng hơn giá trị của viên ngọc xanh trong lòng thủ đô.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

 

Bích Liên