• 1207 lượt xem
  • 15:53 22/03/2022
  • Kinh tế

Nông dân ĐBSCL ứng phó ra sao khi giá vật tư tăng cao

Khi vật tư đầu vào tăng giá, nông dân ĐBSCL lại thêm gánh nặng bởi sản xuất vốn phụ thuộc nhiều vào phân bón, xăng dầu... Để ứng phó, nhiều nông dân đã chủ động chuyển hướng sản xuất sang hữu cơ, hoặc giảm lượng phân bón, hóa chất để giảm đầu vào. Kết nối chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra cũng là cách để giảm giá thành, tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL.

Nhu cầu tiêu thụ ổn định và thị trường rộng mở đã giúp gạo Việt Nam đạt mức giá cao nhất kể từ đầu năm trở lại đây. Dù vậy, nông dân ĐBSCL không lấy gì làm vui khi mà giá bán không bù được chi phí bỏ ra trên cánh đồng bởi giá vật tư từ phân bón, xăng dầu đã tăng đến mức cao nhất từ trước đến nay.

Ông Phan Thành Bắc, Chủ tịch HĐQT HTX Xuân Hòa, An Giang: Năm nay cái vật tư đầu vào có thể tăng gấp đôi, có khi lên 100%, có khi 200% không chừng tùy sản phẩm, vì vậy năm nay cái đầu vào của bà con rất là cao. Cái sản phẩm bà con làm ra cái giá lúa không có thì bà con mần hơi chua, lợi nhuận nó rất là thấp.”

Để ứng phó, nhiều khu vực trồng lúa của ĐBSCL đã chủ động chuyển sang các loại phân bón hữu cơ, giảm phụ thuộc vào phân thuốc nhập khẩu. Đồng thời, cũng tính đến các phương thức canh tác hợp lý, khoa học hơn, nhất là giảm lượng phân bón, hóa chất trên cánh đồng để giảm chi phí.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN & PTNT: Phải hướng dẫn cho bà con nông dân giảm cái việc sử dụng phân bón xuống, trong phạm vi lý thuyết, chúng ta có thể giảm 20 – 30% lượng phân bón trong đất và năng suất lúa cũng không suy giảm nhiều.”

Thực trạng canh tác manh mún, nhỏ lẻ của nông dân ĐBSCL chính là nguyên nhân khiến lợi ích của họ bị bấp bênh ngay khi thị trường biến động. Vì vậy, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị chính là chìa khóa để hạn chế tác động của thị trường đến sự ổn định của nông nghiệp. 

Ông Vũ Văn Tiến, Phó cục trưởng cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn: “Trong cái giai đoạn này phải chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, phải sản xuất theo chuỗi để nâng cao năng suất chất lượng và cuối cùng là hiệu quả kinh tế để giúp nâng cao đời sống cho bà con nông dân.”

Sản xuất chưa bao giờ là thuận lợi với người nông dân bởi thách thức từ thiên tai, đến thị trường và chi phí đầu vào. Nỗ lực vượt qua những khó khăn này cũng là cách để nông nghiệp ĐBSCL tiến đến sự ổn định, thúc đẩy sản xuất chuỗi giá trị bền chặt, đảm bảo lợi ích giữa những biến động.