• 4639 lượt xem
  • 07:01 25/02/2022
  • Kinh tế

Nông nghiệp - Thị trường: Khai thác du lịch gắn với nông nghiệp tại vùng cao

Dịch bệnh tác động trực tiếp đến nhiều mặt hàng; nhiều thanh niên dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk nỗ lực khởi nghiệp; các địa phương tăng cường phòng chống rét cho đàn vật nuôi và cây trồng; huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị khai thác lợi thế mở ra hướng đi mới thúc đẩy phát triển du lịch, nông nghiệp, nông thôn...là những tin tức nổi bật trong chương trình Nông nghiệp - Thị trường lần này.

GIÁ CUA, GHẸ GIẢM GẦN 1 NỬA

Giá cua, ghẹ tại các vựa đang giảm gần một nửa khi thương lái hạn chế thu mua do ảnh hưởng xuất khẩu. Giá cua gạch tại vựa ở Cà Mau chỉ 600.000 đồng một kg (hàng loại một), giảm 50% so với trong Tết Nguyên đán. Giá cua thịt tại vựa hiện cũng chỉ 300.000 đồng một kg. Tương tự, ghẹ và tôm đồng loạt rớt giá.

--

LÚA ĐÔNG XUÂN GIẢM

Lúa đông xuân năm nay đã bắt đầu thu hoạch rộ tại Cần Thơ. Cụ thể: Ðài Thơm 8 giá từ 5.600-5.700 đồng/kg; giống OM 380 giá từ 4.800-5.000 đồng/kg… Nông dân sản xuất lúa cho biết mức giá này không tăng so với vụ lúa đông xuân 2020-2021, thậm chí có một số giống lúa có giá còn giảm hơn so với các vụ trước.

--

KHAI THÁC DU LỊCH GẮN VỚI NÔNG NGHIỆP TẠI VÙNG CAO HƯỚNG HÓA 

Không chỉ xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã tận dụng, triển khai nhiều hoạt động nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tại Quảng Trị, tập trung khai thác tiềm năng lợi thế từ đất đai, khí hậu cũng như bản sắc văn hóa vùng miền, mở ra hướng đi mới trong việc thúc đẩy phát triển ngành du lịch ở miền núi là một hướng đi đang cho nhiều giá trị. Ghi nhận tại huyện miền núi Hướng Hóa.

Với diện tích hơn 3 ha, hợp tác xã này đã đầu tư xây dựng vườn hoa, tiểu cảnh và hệ thống nhà giàn rộng hơn 400 m2 với một số loại cây ăn quả để phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, chụp hình lưu niệm. Chỉ tính riêng trong những ngày đầu năm nay, đã có hàng nghìn lượt khách đến tham quan. 

Chị MINH ANH, Du khách Thừa Thiên Huế: “Lần dầu tiên đến Quảng Trị thấy phong cảnh ở đây rất hữu, tình, thơ mộng, thích hợp vưới những bạn trẻ. Cách tổ chức du lịch ở đây khá thân thiện với môi trường. Nếu có dịp em sẽ quay lại đây để gt bạn bè, gia đình đến tham quan vì ở đây rất thư giãn, thoải mái”.

Bà LÊ THỊ HUỆ, Phó Giám đốc HTX Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị: “Mục tiêu đến 2025 của chúng tôi là hoàn thiện khu vực này để khai thác sản phẩm cao hơn. Bây giờ mới chỉ hoa vui xuân, chúng tôi sẽ xây dựng homestay để khách nơi xa đến lưu trú, họ trải nghiệm trồng rau sạch, cây ăn quả, chúng tôi làm nhiều sản phẩm như cây giống, con giống, có nhà máy sản xuất nước ép chanh dây, mô hình dâu tây”. 

Kết quả ban đầu mở ra nhiều triển vọng cho việc đa dạng hóa các hình thức phát triển du lịch, trong đó chú trọng triển khai thêm một số mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của xã giáp ranh với trung tâm thị trấn Khe Sanh.

Ông NGUYỄN THANH TÙNG, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hợp huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị:Chỉ trong vòng 2 năm phát triên mô hình này cơ bản đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả khá cao. Năm 2021 có ngày lên tới 25 triệu đồng. Bên cạnh mô hình này xã tiếp tục triển khai thêm 3 mô hình và tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư đầu tư một mô hình ở suối Tà Đủ để đưa vào hoạt động năm 2022”.

Hướng Hóa xác định mục tiêu xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chỉ trong năm 2021 trên địa bàn huyện đã có khoảng 20 địa điểm, mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư, doanh nghiệp bắt đầu đến với Hướng Hóa để khai thác lợi thế phát triển các dự án nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của huyện miền núi này.

--

KHỞI NGHIỆP TRÊN MẢNH ĐẤT QUÊ HƯƠNG

Với tư duy đổi mới, nghị lực của tuổi trẻ, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk đã nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo, bước đầu đạt được những thành công nhất định trên con đường lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho lao động địa phương, từ đó, đánh thức khát vọng làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ ý tưởng trồng rau bò khai sử dụng trong gia đình gia đình, anh Hoàng Văn Hiệu ở thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc đã mạnh dạn vận động các hộ dân trên địa bàn liên kết thành lập hợp tác xã Nông Nghiệp theo chuẩn VietGAP cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Tất tần tật các khâu về cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, cho đến đầu ra cho sản phẩm đều được anh Hiệu tư vấn cho bà con yên tâm. Hiện trên thị trường bò khai được bán với giá dao động từ 40-70 nghìn đồng một kg.

 

Ngoài cung cấp đọt cho các nhà hàng, chợ đầu mối, hợp tác xã còn

 

đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất trà bò khai phục vụ nhu cầu của thị trường.

Anh HOÀNG VĂN HIỆU, Thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk: “Mô hình trồng rau bò khai bước đầu cũng khá ổn so với giá trị thị trường, mình cũng đang triển khai nhân rộng trong thôn, xã và một số địa phương lân lận. Chúng tôi cũng mong muốn mang đặc sản của người Tày, Nùng từ Bắc vào đây để quảng bá.

Còn với anh Y Chinh Bkrông, ở xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, sau 4 năm gắn bó với nghề trồng nấm, hiện anh đã mở rộng cơ sở sản xuất với 3 nhà nấm và một nhà làm phôi nấm với diện tích gần 1000m2. Mỗi năm, anh Y Chinh

 

bán ra thị trường trên 5 tấn nấm bào ngư và nấm sò. Trừ hết chi phí ban đầu lợi nhuận mang lại hơn 150 triệu đồng 1 năm.. 

Anh Y CHINH BKRÔNG, Buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk: “Lợi thế của nghề trồng nấm là vừa dễ làm, dễ kiếm nguyên liệu, đầu ra ổn định lại không đòi hỏi nhiều công lao động mà có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi. Vì thế vừa làm nấm tôi vẫn có thời gian làm rẫy. Trong thời gian sắp tới, tôi hy vọng sẽ có đủ kinh phí mở rộng diện tích trồng nấm. Mở rộng diện tích đồng nghĩa với việc thu nhập gia đình tôi sẽ tăng lên.”

Mong muốn gầy dựng thượng hiệu cà phê từ chính nơi mình được sinh ra, chàng trai Ê-Đê Y Pốt Niê đã từ bỏ công việc ổn định ở thành phố về buôn lập nghiệp. Bắt đầu từ những hạt cà phê tự rang xay, trải qua 2 năm miệt mài xây dựng dòng sản phẩm cà phê sạch, Y Pốt đã chinh phục được thị trường ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh… và xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện Y Pốt đang liên kết với các hộ dân trong xã với diện tích lên tới 50 ha. Điều đáng mừng là sản phẩm cà phê của Y Pốt Niê đã được Cục Sở hữu trí tuệ ở Hà Nội đăng ký độc quyền nhãn hiệu kinh doanh dòng sản phẩm nông sản sạch mang tên “Êđê Cafe”.

Anh Y Pốt Niê, Buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk: “Tôi ấp ủ rất nhiều nhưng hiện tại cũng đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Mong muốn lớn nhất của tôi có thể đưa cà phê của mình xuất khẩu qua các nước. Ngoài ra phát riển thêm các dòng cà phê hòa tan có mùi vị khác nhau tốt cho sức khỏe như cà phê sâm, sầu riêng..cũng như tạo ra dây chuyền lớn rộng.”

Bà H’Giang Niê, Bí thư tỉnh đoàn Đắk Lắk: “Đối với thanh niên dân tộc thiểu số trong việc khởi nghiệp gặp phải những khó khăn nhất định. Thứ nhất là về ý tưởng, có ý tưởng tốt tuy nhiên để triển khai thành hiện thực đó là một quá trình. Thứ hai là liên kết sản phẩm và đầu ra cho sản phẩm và quan trọng nhất kinh nghiệm. Và rất mừng dưới sự phát triển của công nghệ thông tin nhưng năm gần đây bên cạnh những mô hình nông nghiệp vẫn có một số bạn làm mô hình du lịch cộng đồng, sản phẩm sạch…đó cũng là những cái chúng tôi muốn hướng đến.

Với những gì đã làm được, thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng và thanh niên nói chung từng bước khẳng định được bản lĩnh, quyết tâm của tuổi trẻ Đắk Lắk trong việc phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Từ đó, góp phần đánh thức và khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

--

YÊN BÁI CHỦ ĐỘNG CHỐNG ĐÓI, RÉT CHO ĐÀN GIA SÚC

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, đặc biệt trong những ngày qua trên địa bàn một số địa phương vùng núi cao của tỉnh Yên Bái, nền nhiệt độ xuống thấp, xuất hiện băng giá ở Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Do đó, tỉnh Yên Bái tiếp tục yêu cầu các địa phương và người dân cần tiếp tục chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Những ngày qua trên địa bàn có khoảng 20 con gia súc bị chết do rét đậm, rét hại. Ngành nông nghiệp Yên Bái đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo tới các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố, che chắn chuồng trại và chăm sóc, nuôi nhốt đàn gia súc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; dự trữ đủ lượng thức ăn thô xanh, tinh bột, muối khoáng cho đàn gia súc; phân công cán bộ thường xuyên bám địa bàn các xã, thôn để trực tiếp hướng dẫn người dân che chắn, sửa chữa chuồng trại. Hiện tổng đàn gia súc chính trên toàn tỉnh có khoảng trên 755.000 con; trong đó đàn trâu đạt gần 100.000 con, đàn bò đạt trên 35.000 con, đàn lợn đạt trên 620.000 con.

--

TẬP TRUNG PHÒNG CHỐNG ĐÓI RÉT CHO ĐÀN VẬT NUÔI

Những ngày qua, khu vực miền núi phía Bắc và trung du đón đợt rét đậm, rét hại nhất của mùa đông năm nay. Thời tiết này ảnh hưởng tiêu cực đến đàn vật nuôi tại những khu vực này. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù tính tới thời điểm hiện tại, những thiệt hại đối với các đàn vật nuôi chưa đáng kể, tuy nhiên do đợt rét đậm rét hại này có thể kéo dài, do đó các địa phương cần tập trung phòng chống, đói, rét cho đàn vật nuôi.

Theo rà soát của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đàn gia súc ăn cỏ của 20 tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ thường xuyên chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. Số lượng đàn gia súc ăn cỏ có nguy cơ cao bị ảnh hưởng gồm: Đàn trâu 1,89 triệu con; đàn bò 2,19 triệu con; đàn ngựa 49,58 nghìn con; đàn dê 2,65 triệu con, chiếm tỷ lệ lần lượt là

81,08%; 36,61%; 97,32% và 44,03% tổng đàn trâu, bò, ngựa, dê của cả nước. Với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông khuyến nghị người dân cần chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. 

Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Về thú y phòng bệnh là phải nâng cao sức đề kháng, tiêm vaccine là việc là phải làm nghiêm túc vì qua quá trình kiểm tra có thể thấy rằng việc tiêm vaccineđối với một số bệnh ở vật nuôi của một số tình còn đạt tỷ lệ thấp.”

Bên cạnh đó Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, rét đậm rét hại kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới năng suất chất xanh, chính vì vậy người dân phải chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn thay thế như rơm rạ, đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh để đảm bảo đàn vật nuôi không bị đói. Đặc biệt là lưu tâm vấn đề chuồng trại để đảm bảo vật nuôi không bị rét.

Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Chuồng trại phải đảm bảo yêu tố ấm đông mát hè. Qua đi kiểm tra tại một số địa phương chúng tôi thấy rằng chuồng trại chăn nuôi tại các địa phương này đã bước chuyển biến tuy nhiên nếu thời tiết tiếp tục rét đậm rét hại và nhiệt độ thấp hơn nữa thì cần phải lưu ý hơn nữa.”

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vụ Đông Xuân năm nay có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài.Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc,… để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi. Đồng thời, cần phổ biến kinh nghiệm phòng chống đói, rét cho gia súc của các địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn để chuẩn bị cho đàn vật nuôi.

--

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG RÉT CHO LÚA, MẠ

Mấy gày nay, ngày nào cũng vậy ông Cao Đăng Tuấn ở xã Trung Nghĩa TP.Hưng Yên đều ra kiểm tra gần một mẫu mạ gieo cấy vụ xuân. Từ việc điều tiết nước, che phủ ni lông cho mạ đều được ông thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Đến nay các diện tích mạ đều được bảo vệ.

Do trong những ngày qua, thời tiết có mưa lớn,

ở các huyện như Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi, Kim Động, một số diện tích lúa đã cấy đang được nông dân tập trung khơi, thoát nước, duy trì mức nước trên mặt ruộng để tăng cường khả năng chống rét cho lúa mới cấy cũng như giúp cho lúa đẻ nhánh sớm và đẻ nhánh tập trung khi thời tiết nắng ấm trở lại. Trong những ngày này, các cơ quan chức năng đều tập trung ra đồng, hướng dẫn nông dân các biện háp khắc phục khi thời tiết rét đậm rét hại:

Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại đến gieo, cấy lúa vụ Xuân năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn các địa phương và nông dân che phủ 100% diện tích mạ đã gieo, đảm bảo đủ nước để giữ ấm cho ma. Tạm dừng gieo cấy trong thời gian đang có rét đậm, rét hại đến khi thời tiết thuận lợi, nhiệt độ trung bình ngày trên 15°C mới được gieo, cấy trở lại. Những diện tích lúa đã gieo thẳng và cấy: giữ đủ ẩm trên diện tích gieo thẳng, mực nước nồng đối với diện tích cấy bằng mạ nền cứng, duy trì mực nước 2-3 cm trên diện tích lúa cấy bằng mạ dày xúc để tăng khả năng chống rét cho lúa. Tuyệt đối không được bán bất kỳ một loại phân bón nào cho diện tích mạ và diện tích lúa trong thời gian rét đậm, rét hại. 

Cùng với sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, bà con nông dân cần chủ động theo dõi các bản tin thời tiết, tích cực ra thăm đồng ruộng, những ngày trời rét, nhiệt độ trung bình xuống dưới 15°C tuyệt đối không được bón phân cho lúa và rau màu, dừng cấy lúa, gieo mạ xuân muộn, để đảm bảo lúa, mạ và rau không bị chết rét./.