Nông nghiệp Việt Nam: Thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp

Cơ giới hóa nông nghiệp được phát triển dựa trên nền tảng công nghiệp cơ khí. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sẽ giúp tiết kiệm được sức người, vật chất đem lại năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn. Cơ giới hóa nông nghiệp đã và đang rất phát triển, được áp dụng rộng rãi ở trên toàn thế giới. Vậy cơ giới hóa nông nghiệp ở nước ta ra sao?

Với địa hình ở vùng cao Tây Bắc đa phần là đồi núi dốc, chia cắt, người dân chỉ có những khoảnh đất nhỏ hẹp, xa cách nhau nên không thể gắn kết để tạo thành những khu sản xuất tập trung. Điều này tạo ra khó khăn cho triển khai cơ giới hóa vào sản xuất. Hợp tác xã trồng rau hữu cơ này là 1 ví dụ, dù có tổng diện tích khoảng 16ha nhưng phải phân ra làm 4 khu đất và nằm cách xa nhau khiến việc đầu tư máy móc, công nghệ không hiệu quả.

Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm qua, khu vực này đã đẩy mạnh việc cơ giới hóa sản xuất lúa, từng bước giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, việc cơ giới hóa đồng ruộng vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức cần có chính sách khuyến khích.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, điều cần thiết là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa; Khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn và nhân rộng các mô hình, cách làm hay và giải pháp hiệu quả trong thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp.

Nhìn lại kết quả cơ giới hóa nông nghiệp trong 10 năm qua, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; các loại máy phục vụ bơm nước, gặt đập liên hợp, chế biến thức ăn gia súc, thủy sản… tăng từ 80-90%. Dù vậy, có tới 70% khối lượng công việc vẫn phải thực hiện thủ công, áp dụng cơ giới hóa chỉ mới được thực hiện hai khâu chặt hạ và vận chuyển, còn nhiều khâu sản xuất quan trọng như trồng, chăm sóc, chữa cháy, vận xuất và bốc xếp thì tỷ lệ chỉ đạt khoảng 2 - 5%. 

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 858 về Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang trình Chính phủ Nghị định về cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp làm cơ sở pháp lý để triển khai nội dung này. 

Hà Lan